Để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngày 16/5, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số trong doanh nghiệp và hợp tác xã tỉnh An Giang”. Hội thảo thu hút 150 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện, trường cùng các đại biểu đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn An Giang tham gia.
An Giang hiện có trên 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, 278 hợp tác xã hoạt động trên 6 lĩnh vực: Nông nghiệp, tín dụng, giao thông vận tải, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch và khai khoáng. Hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trên địa bàn An Giang thực hiện chuyển đổi số chủ yếu sử dụng smartphone tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử hay sử dụng mạng xã hội để trao đổi thông tin, quảng bá sản phẩm và bán hàng. Đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã An Giang chưa quan tâm đầu tư công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số hoặc các doanh nghiệp, hợp tác xã tuy quan tâm chuyển đổi số nhưng thiếu vốn đầu tư.
Tiến sĩ Đào Thanh Hoàng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật An Giang cho rằng: Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp, hợp tác xã cải thiện khả năng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Nếu không thích nghi với xu hướng số hóa, các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ rơi vào tình trạng không tận dụng được thời cơ phát triển, không gia tăng lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh.
Theo Tiến sĩ Đào Thanh Hoàng, việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp tại An Giang còn khá mới. Nên một bộ phận cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng và sức ép của việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất. Bên cạnh đó, các hợp tác xã chưa được đào tạo bài bản về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nên gây trở ngại lớn nhất cho chuyển đổi số trong khu vực hợp tác xã.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng: Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp và hợp tác xã. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thấy rõ nhu cầu, sự cần thiết phải chuyển đổi số. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gặp khó về chi phí triển khai chuyển đổi số; nhiều doanh nghiệp quan tâm chuyển đổi số bằng công nghệ nhưng chưa quan tâm nâng cao kiến thức trong nhân sự và lãnh đạo doanh nghiệp...
Để thúc đẩy hơn nữa chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thanh Nghị, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học An Giang cho rằng cần có sự chung tay của cả Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Trong đó, Chính phủ cần ban hành và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số về tài chính, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp... Các doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và lợi ích của chuyển đổi số để chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần đầu tư cho việc trang bị hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng các giải pháp công nghệ số phù hợp.
Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng công nghệ số phục vụ sản xuất, kinh doanh; 100% hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau; 80% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số. Đến năm 2030, An Giang có 100% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số.
Để công tác hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi số thành công, nhiều chuyên gia cho rằng: Bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực nội tại của chính quyền địa phương, cần có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số để không tụt hậu, phụ thuộc, nhằm hướng đến nền sản xuất thông minh và từng bước tiến tới nền kinh tế số./.
- Từ khóa:
- chuyển đổi số
- doanh nghiệp
- hợp tác xã