Để du lịch biển đảo Nam Bộ bứt phá: *Bài 3: Khẳng định vị thế các trung tâm du lịch chất lượng cao
Tăng cường liên kết, tạo tour, tuyến du lịch biển đảo hấp dẫn, từng sản phẩm thể hiện bản sắc của điểm đến là giải pháp cần thiết để du lịch biển, đảo ở các địa phương có những bước phát triển mới, xứng tầm các trung tâm du lịch tầm cỡ.
TTXVN - Phát huy lợi thế, xây dựng, phát triển các trung tâm du lịch biển chất lượng cao, trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế là giải pháp góp phần tạo bứt phá cho du lịch biển ở cả hai vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
* Điểm nhấn từ các trung tâm du lịch biển
Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 nêu nhiều giải pháp để phát triển nhanh, bền vững cho toàn vùng. Về kinh tế biển, Nghị quyết đề cập phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần cảng biển, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ dầu khí và du lịch biển. Phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia. Tiểu vùng ven biển khu vực Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) và Bà Rịa - Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển. Phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.
Hiện thực hóa các giải pháp, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo, xây dựng Cảng tàu khách quốc tế và hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến đường sắt đô thị, qua đó tăng cường liên kết các hoạt động du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung với các địa phương trong vùng và khu vực.
Tỉnh đẩy mạnh phát triển các đô thị, nhất là đô thị du lịch ven biển theo mô hình đô thị xanh, bền vững, hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội, hấp dẫn du khách. Tỉnh phát triển các cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, đẳng cấp; tập trung phát triển loại hình, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí trở thành sản phẩm mang tính đặc trưng, phát triển khu du lịch phức hợp, đẳng cấp quốc tế…
Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, đề cập một trong các ngành có thế mạnh của vùng là du lịch, dịch vụ, Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu định hướng phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển; phát triển Cần Thơ, Phú Quốc trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.
Nằm trên vùng biển Tây Nam Bộ, Phú Quốc là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, đáp ứng nhu cầu của nhiều dòng du khách. Các loại hình du lịch biển ưu thế ở khu vực này đã được định hình như du lịch nghỉ dưỡng gắn với biển đảo, du lịch tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, du lịch sinh thái.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng, thành phố hiện có hơn 30.000 phòng nghỉ phục vụ du khách, trong đó, khoảng 17.000-18.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao trở lên, nhiều khu du lịch, khu vui chơi giải trí nổi tiếng. Phú Quốc có cảng biển Quốc tế, Cảng Hàng không Quốc tế, tàu cao tốc từ đất liền ra đảo và ngược lại tiện lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Để thu hút du khách, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch, tăng cường kiểm tra, chú trọng đảm bảo giá các dịch vụ như lưu trú, ẩm thực, vận tải, dịch vụ ca nô, du thuyền…, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách trong thời gian nghỉ dưỡng tại Phú Quốc với chi phí, giá cả hợp lý.
* Tăng liên kết, chú trọng tạo bản sắc
Tăng cường liên kết, tạo tour, tuyến du lịch biển đảo hấp dẫn, từng sản phẩm thể hiện bản sắc của điểm đến là giải pháp cần thiết để du lịch biển, đảo ở các địa phương có những bước phát triển mới, xứng tầm các trung tâm du lịch tầm cỡ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành Du lịch các địa phương cần tăng cường phối hợp, liên kết trong quản lý và phát triển du lịch, nhất là phát triển sản phẩm, tạo thành chuỗi tuyến du lịch đặc sắc theo từng khu vực, tránh sự trùng lặp, đơn điệu trong phát triển du lịch ven biển của các tỉnh, thành phố. Mỗi vùng, khu vực, địa phương cần có nhiều hơn sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm sắc thái văn hóa, điều kiện tự nhiên của địa phương và có chất lượng cao. Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh phát triển tour, tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế, tuyến hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia - Kiên Giang - Cà Mau).
Với điểm đến Phú Quốc, thành phố cần tập trung xây dựng, phát triển đô thị biển đảo bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học biển, hải đảo, từng bước xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hướng tới hình thành các trung tâm dịch vụ, du lịch biển mang tầm quốc tế.
Nhóm chuyên gia gồm Phó Giáo sư Vũ Tuấn Hưng (Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ) và Tiến sĩ Nguyễn Danh Nam, Uông Thị Ngọc Lan (Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) gợi mở, để phát triển du lịch biển, thành phố đảo Phú Quốc cần tăng cường đầu tư đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển đặc trưng gắn với bản sắc văn hóa và đặc thù tự nhiên. Thành phố xây dựng sản phẩm tuyên truyền, giới thiệu về du lịch biển Phú Quốc như: ấn phẩm giới thiệu bãi biển, khu bảo tồn thiên nhiên biển, chương trình du lịch...Việc đa dạng hóa, tạo điểm nhấn đặc sắc văn hóa cho các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ cần được tiếp tục quan tâm.
Bên cạnh đó, thành phố đầu tư đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển hiện có, phát triển sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao đi đôi với bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên biển, cải thiện môi trường du lịch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài.
Với thành phố biển Vũng Tàu, giữ gìn và phát huy bản sắc đô thị du lịch biển ở vùng Đông Nam Bộ, theo Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững Nguyễn Thu Hạnh, Vũng Tàu có lợi thế vị trí giao thông thuận tiện, thế mạnh cảng biển, trung tâm dầu khí lớn nhất Việt Nam, khí hậu bốn mùa dễ chịu với bờ biển dài, nhiều bãi tắm đẹp. Quá trình hình thành, phát triển, Vũng Tàu đã để lại nhiều dấu ấn đặc trưng và giá trị cốt lõi để hình thành nên bản sắc riêng của đô thị. Những ấn tượng với du khách thành phố cần bảo tồn, khai thác và phát huy hiệu quả là ấn tượng về một bến đậu bình yên với hình ảnh của những ngọn núi, một vùng đất ghi nhiều dấu ấn cùng các di tích lịch sử.
Nhấn mạnh việc thực hiện chiến lược phát triển, định vị thương hiệu du lịch, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho hay, tỉnh rà soát, điều chỉnh tạo không gian khai thác tối đa hiệu quả tuyến ven biển và khu vực phụ cận cho phát triển du lịch; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế du thuyền, kinh tế đêm, thúc đẩy phát triển du lịch bằng đường biển, tạo bước phát triển mới cho một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh là du lịch và đô thị./.
- Từ khóa:
- du lịch
- biển đảo
- Nam Bộ
- trung tâm du lịch