Chính phủ hành động

Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68

Nghị quyết 68 thể hiện bước tiến đột phá về tư duy phát triển; là "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế", "bước ngoặt lịch sử" trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá.

Quang cảnh tọa đàm.
Ảnh: Chu Thanh Vân

Thời gian gần đây, dư luận liên tiếp được đón nhận một loạt thông điệp quan trọng từ các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước về kinh tế tư nhân như: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia"; "tháo chốt", loại bỏ những điểm nghẽn để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình; muốn tăng trưởng 2 con số, phải dựa vào kinh tế tư nhân…

Đặc biệt, trong bài viết "Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng", Tổng Bí thư Tô Lâm đã khái quát "một bức tranh toàn cảnh" của khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh những gam màu tươi sáng, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những vấn đề còn trăn trở và đưa ra định hướng cho toàn bộ hệ thống chính trị tập trung nghiên cứu các giải pháp nhằm gỡ điểm nghẽn để kinh tế tư nhân bứt phá.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân do ông làm Trưởng ban và Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm Phó Trưởng Ban Thường trực. Ngày 4/5 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Ngày 7/5 và 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì liên tiếp 2 cuộc họp về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, để trình Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.

Tại Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 9/5, các vị khách mời cho rằng, nghị quyết này đã thể hiện bước tiến đột phá về tư duy phát triển; là "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế"; là "bước ngoặt lịch sử" trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân bứt phá với những mục tiêu truyền cảm hứng, đầy khát vọng; đi vào tận gốc rễ của vấn đề là "cải cách thể chế", khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, kinh tế tư nhân nước ta đã có một thời kỳ phát triển mạnh mẽ khi đất nước đổi mới năm 1986, rời bỏ mô hình quản trị tập trung, công nhận nền kinh tế thị trường gồm nhiều thành phần. Hiện nay, kinh tế tư nhân đóng góp trên 50% GDP, trên 30% thu ngân sách của quốc gia và giải quyết 82% việc làm cho đất nước. Điều đó cho thấy kinh tế tư nhân đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Những đánh giá của Bộ Chính trị về coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế không chỉ với tầm nhìn chiến lược, mà còn với sự nhận thức rất chính xác tình hình thực tiễn.

Nhìn về con số kinh tế tư nhân đóng góp 50% GDP, trong khi ở các nước là 70% GDP, ông Dũng cho rằng, đang có rất nhiều điểm nghẽn, cản trở, cả về thể chế và các điều kiện, làm kinh tế tư nhân chưa vượt lên được. Nghị quyết 68 hết sức đột phá, đã đặt một tầm nhìn chiến lược, một nền tảng quan trọng để tạo lòng tin đối với kinh tế tư nhân, lòng tin của cả xã hội. Tạo điều kiện cho thành phần kinh tế đó có nghĩa là tạo điều kiện cho đất nước vươn lên. Nghị quyết của Đảng đề ra nhiều chủ trương, nhiều đột phá và bao trùm tất cả các lĩnh vực.

Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu trao đổi tại tọa đàm.
Ảnh: Chu Thanh Vân

Cho rằng sự ra đời của Nghị quyết 68 là rất cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay, theo ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội - chuyên gia kinh tế, những thông điệp trong nghị quyết rất rõ ràng và mạnh mẽ, đã đi thẳng vào những vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân, giải quyết những trở ngại tồn tại lâu nay. Đây có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Những đột phá được ông Hiếu chỉ ra, đó là việc thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân, trao quyền kinh doanh, tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường, xóa bỏ các rào cản hành chính trong quá trình hoạt động, giúp thay đổi khu vực kinh tế tư nhân về chất. Cùng với đó, tăng mức độ bảo vệ, xử lý trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân theo hướng không hình sự hóa, giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho khu vực này; khơi thông nguồn lực, giúp khu vực này tiếp cận nguồn lực với đất đai, về vốn, nhân sự.

Từ góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Từ Tiến Phát cho hay, Nghị quyết 68 đưa vấn đề kinh tế tư nhân là quan trọng hàng đầu, đây vừa là vinh dự, nhưng cũng vừa là trách nhiệm. Các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã mong mỏi Nghị quyết này từ rất lâu. Đây là một bước đổi mới rất lớn của Việt Nam.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính chia sẻ tại tọa đàm.
Ảnh: Chu Thanh Vân

Nói về quá trình soạn thảo Nghị quyết, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính chia sẻ, khi tham gia xây dựng nghị quyết, ban đầu đơn vị này lo ngại những đề xuất mạnh mẽ như vậy sẽ không được chấp thuận. “Nhưng lần này, có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, đặc biệt là bài viết của Tổng Bí thư như tiếp thêm niềm tin và quyết tâm cho chúng tôi”.

“Nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước. Ví dụ như về điều kiện kinh doanh – một "bức tường" rất khó tháo gỡ – thì nay nghị quyết nêu rõ: chuyển toàn bộ sang công bố, không để các bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân. Đây là một đột phá thực sự, gần như bức tường được phá băng”, bà Thủy nói.

Cũng theo bà Thủy, lần này, Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự tin tưởng sâu sắc đối với khu vực tư nhân. Trước đây, trong thực tế, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI thường được ưu tiên hơn so với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận tín dụng. Có thời kỳ, doanh nghiệp nhà nước được tín chấp, không cần tài sản thế chấp vẫn vay được vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân thì vô cùng khó khăn.

Nghị quyết lần này khẳng định rõ ràng yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận nguồn lực... Không chỉ dừng ở trên nghị quyết, điều này sẽ được thể chế hóa bằng các giải pháp cụ thể. Nếu vẫn có hành vi phân biệt đối xử, người thực hiện phải chịu trách nhiệm.

“Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, dịch chuyển chuỗi cung ứng, thuế tối thiểu toàn cầu..., khu vực FDI cũng cần thận trọng. Doanh nghiệp nhà nước đang được tái cơ cấu, tập trung vào các lĩnh vực thiết yếu. Vì vậy, nếu muốn đạt mục tiêu phát triển bền vững, dài hạn, khu vực tư nhân vô cùng quan trọng”, bà nhấn mạnh./.


Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm