Mục đích chính của kế hoạch thành lập đội xử lý chó thả rông là nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về quản lý chó nuôi, phòng- chống bệnh dại, giữ vệ sinh môi trường.
TTXVN - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong do bệnh dại tại huyện Đức Cơ vào ngày 21/12. Đây là ca tử vong thứ 14 do bệnh dại trên toàn tỉnh tính từ đầu năm đến nay. Gia Lai là địa phương ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại cao nhất toàn quốc.
* Nhiều ca tử vong, tai nạn do chó thả rông
Trường hợp vừa mới tử vong là em T.D.M.C (sinh năm 2017, làng Al Gôn, xã Ia Din, huyện Đức Cơ). Theo lời người nhà, cách đây khoảng 3 tháng, em C bị chó nuôi trong nhà cào xước nhẹ nên không đi tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Con chó này sau đó cào thêm 3 người trong gia đình. Tuy nhiên, cả 3 người đều không tiêm vắc xin phòng dại.
Đến ngày 20/12, em T.D.M.C có biểu hiện sốt. Người nhà đưa lên phòng khám tư nhân xét nghiệm và lấy thuốc về uống nhưng không hết sốt, có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sợ nước, sợ gió, có biểu hiện co giật nhẹ. Sáng 21/12, em T.D.M.C được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược- Hoàng Anh Gia Lai. Được bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, người nhà đã đưa bệnh nhân về. Chiều 21/12, bệnh nhân tử vong tại nhà riêng. Tại thời điểm cắn bệnh nhân, con chó chưa được tiêm vắc xin.
Trước đó, ca tử vong thứ 13 do bệnh dại trên địa bàn tỉnh Gia Lai là do chó thả rông cắn. Trường hợp tử vong là chị S.K (sinh năm 1991, trú tại thôn Phăm Kleo Ngol, xã Bar Măih, huyện Chư Sê). Theo lời của người nhà, cách đây khoảng 1 tháng, chị K đang đi công việc từ thôn Phăm Klăh (xã Bar Măih) về nhà đã bị một con chó chạy rông ngoài đường cắn vào cổ chân trái có vết thương sâu, chảy máu nhiều. Sau khi bị chó cắn, bệnh nhân đi về nhà và nhờ người nhà chở đến cơ sở y tế tư nhân tại xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê) để xử lý vết thương và được tiêm 1 mũi thuốc (không rõ chủng loại). Sau đó, được tư vấn đi tiêm phòng dại nhưng chị K không đi tiêm vắc xin, huyết thanh phòng dại. Bốn ngày sau, vết thương vẫn còn sưng nề, chị được người nhà đưa đến cơ cở y tế tư nhân lần trước để tiêm thêm 1 mũi thuốc (không rõ chủng loại). Ngày 9/12/2023, chị K có biểu hiện đau đầu, sốt, sợ nước, sợ gió. Ở nhà, chị K không sử dụng thuốc gì. Sáng 10/12, gia đình đưa chị đến khám tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) và được chẩn đoán theo dõi dại lên cơn. Bệnh nhân sau đó chuyển về Khoa Bệnh Nhiệt đới để điều trị.
Trước tình trạng của bệnh nhân, bệnh viện đã giải thích tình hình cho người nhà và cùng ngày, người nhà đã ký vào hồ sơ bệnh án và xin đưa bệnh nhân về nhà tại thôn Phăm Kleo Ngol (xã Bar Măih) để tiện chăm sóc. Ngày 11/12, chị K tử vong tại nhà.
Qua ghi nhận các ca tử vong do bệnh dại, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tư vấn người nhà, người tiếp xúc gần với bệnh nhân tử vong do dại nguy cơ phơi nhiễm và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại. Các Trung tâm Y tế này thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cộng đồng dân cư về sự nguy hiểm của bệnh dại, khuyến cáo người dân về việc tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó nghi dại cắn hoặc đến cơ sở y tế để được tư vấn; tuyên truyền cho người nuôi chó cần xích, đeo rọ mõm khi thả chó ra ngoài, cần tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi.
Tuy nhiên, vấn đề để chó thả rông, không tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi gây nguy hiểm cho người dân tại tỉnh Gia Lai là đáng báo động với 14 ca tử vong trong năm 2023, là địa phương có ca tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước. Đây là trách nhiệm của những người có vật nuôi không được tiêm vắc xin phòng dại. Việc chó thả rông còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Mới đây, một học sinh tại tỉnh Gia Lai khi đi học về đã tông vào một con chó thả rông ngoài đường và bị thương nặng. Không những thế, chó thả rông còn phóng uế bừa bãi, gây mất vệ sinh nơi công cộng khiến người dân rất bức xúc.
* Xử lý chó thả rông, người dân đồng tình
Để hạn chế, xử lý và khắc phục những ảnh hưởng của việc này, UBND phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh Gia Lai lập đội xử lý chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, nghi dại trên địa bàn. Việc làm thiết thực này nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, tạo ra văn minh đô thị, được đông đảo người dân hưởng ứng.
Chị Trần Thị Huyền Chi, Tổ 3 phường Tây Sơn, thành phố Pleiku cho hay: "Người nuôi thả chó ra thứ nhất là nguy hiểm cho người đi đường. Các cháu nhỏ ở trong xóm chơi hay bị chó đuổi nên các cháu sợ. Chó khi được thả rông thường phóng uế bừa bãi, mất vệ sinh công cộng. Khi đội xử lý chó thả rông đi làm công tác, bà con rất hoan nghênh, mong các địa phương khác trên địa bàn Gia Lai cũng nên thực hiện chương trình này để đảm bảo an toàn cho nhân dân".
Ông Nguyễn Văn Ty, tổ 2, Phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, cho biết, ông đã từng bị tai nạn giao thông do tông phải chó chạy rông. Do đó, khi biết UBND phường Tây Sơn lập đội xử lý chó thả rông ngoài đường, ông và người dân rất tán thành và ủng hộ.
Theo báo cáo của UBND phường Tây Sơn, địa bàn phường có 299 con chó của 223 hộ nuôi, tỷ lệ tiêm phòng dại đạt 80%. Mục đích chính của kế hoạch thành lập đội xử lý chó thả rông là nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định về quản lý chó nuôi, phòng- chống bệnh dại, giữ vệ sinh môi trường. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn giao thông, sức khỏe và tính mạng con người.
Ông Bùi Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Sơn cho biết, đợt ra quân xử lý chó thả rông triển khai từ ngày 8/12/2023 đến hết ngày 30/12/2023. Đội xử lý chó thả rông có trách nhiệm phối hợp với các tổ dân phố tổ chức kiểm tra trên các tuyến đường trên địa bàn phường, tại các nơi công cộng, tại các tổ dân phố, nếu phát hiện chó thả rông không rọ mõm, dùng điện thoại ghi hình, xác định chủ vật nuôi, đồng thời lập biên bản xử lý vi phạm theo quy định. Bên cạnh đó, Đội tổ chức bắt giữ chó thả rông của các chủ hộ và chó thả rông không có chủ thực hiện tạm giữ tại trụ sở UBND phường, sau 48 giờ không có chủ vật nuôi đến nhận, sẽ xử lý theo quy định.
"Sau khi người dân đến và chứng minh các cơ sở để nhận lại chó, chúng tôi sẽ cho cam kết trong việc nuôi nhốt. Chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định, làm sao để vừa xử phạt nhưng cũng tuyên truyền vận động để người dân nâng cao hơn nữa ý thức trong việc nuôi chó để đảm bảo an toàn cho xã hội. Việc triển khai của phường Tây Sơn lần này được nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Chúng tôi nghĩ cần có sự chỉ đạo liên kết giữa các địa phường, các huyện, thị để cùng phối hợp triển khai đồng bộ nhằm mang lại hiệu quả cao nhất" - ông Phúc cho biết thêm./.
- Từ khóa:
- Gia Lai
- chó thả rông
- bệnh dại