Đà Nẵng triển khai thành lập các Nghiệp đoàn dành cho người lao động ở khu vực phi chính thức để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho họ.
Trong năm 2024, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã lựa chọn, thí điểm tổ chức Nghiệp đoàn các lớp mầm non độc lập và Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab thành phố Đà Nẵng, nhằm hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại các khu vực phi chính thức. Đây là một trong những động thái tích cực, mang lại niềm vui cho người lao động khu vực phi chính thức, là những người lao động có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, không được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác.
* Niềm vui của giáo viên mầm non độc lập
Nghề giáo viên mầm non là một nghề cao quý nhưng cũng rất nặng nề, vất vả. Tại các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, do cơ sở vật chất còn khó khăn, số lượng người lao động ít, một số quyền lợi của các giáo viên mầm non chưa được đảm bảo. Vì vậy, trong năm 2024, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã chủ trương thành lập các Nghiệp đoàn cơ sở, Công đoàn cơ sở các lớp mầm non độc lập trên toàn thành phố để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các giáo viên mầm non.
Từ nghiệp đoàn đầu tiên được thí điểm thành lập vào tháng 4/2024, chỉ sau 3 tháng, đến nay thành phố Đà Nẵng đã có tổng cộng 31 nghiệp đoàn mầm non độc lập, với hơn 1.100 giáo viên, người lao động tham gia.
Là một trong những giáo viên tiêu biểu đang công tác tại Lớp mầm non độc lập Hoàng Nhi (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), cô giáo Đỗ Thị Hường vừa được tin tưởng bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn cơ sở các lớp mầm non độc lập phường Hòa Thọ Đông từ tháng 7/2024. Chị Đỗ Thị Hường cho biết, bản thân rất vui mừng khi Nghiệp đoàn được thành lập để hỗ trợ, chăm sóc, bảo vệ các cô giáo mầm non. Nghề giáo viên mầm non rất vất vả, mỗi cô giáo phải chăm sóc, dạy dỗ, quản lý hàng chục trẻ nên rất mất sức, nhất là đối với các cô đã có tuổi. Vì vậy, các cô giáo đều rất vui mừng khi tham gia Nghiệp đoàn để được bảo vệ quyền lợi, được hưởng những chế độ, chính sách của Liên đoàn Lao động thành phố. Đồng thời, các đoàn viên có mối quan hệ gắn kết với nhau, hỗ trợ nhau trong công việc và cùng thực hiện những chức năng, nhiệm vụ của Nghiệp đoàn trong hệ thống Công đoàn Việt Nam.
* Ngôi nhà chung của tài xế xe công nghệ
Đầu tháng 7 vừa qua, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập và ra mắt Ban Chấp hành Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Nghiệp đoàn gồm có 184 thành viên, Ban Chấp hành Nghiệp đoàn gồm 7 người, Chủ tịch Nghiệp đoàn là chị Võ Thị Thu Sương (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng).
Nhân dịp công bố quyết định, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ 5 triệu đồng kinh phí ban đầu để Nghiệp đoàn tổ chức hoạt động; tặng 50 suất quà (trị giá 500 nghìn đồng/suất) để động viên 50 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; tặng 184 thẻ Bảo hiểm tai nạn của Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho 184 đoàn viên tiên phong tham gia Nghiệp đoàn (trị giá mỗi hợp đồng bảo hiểm tai nạn là 50 triệu đồng/trường hợp).
Thực tế, nghề lái xe ôm công nghệ có nhiều ưu điểm như thoải mái về giờ giấc, thu nhập hưởng theo sự chăm chỉ của bản thân, được tiếp xúc với nhiều người… Tuy nhiên, nghề này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn, không có thu nhập mỗi khi đau ốm...
Chủ tịch Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab thành phố Đà Nẵng Võ Thị Thu Sương cho biết, nghề lái xe Grab phải di chuyển liên tục nên nguy hiểm luôn rình rập. Việc được tặng bảo hiểm tai nạn là một món quà có ý nghĩa rất lớn, giúp các lái xe Grab yên tâm hơn khi hành nghề. Đồng thời, các đoàn viên trong Nghiệp đoàn cũng rất vui khi được hưởng các chế độ đãi ngộ của Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng; được tuyên truyền về các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người lao động… Đến nay, số lượng lái xe Grab đăng ký tham gia Nghiệp đoàn không ngừng tăng, do hiểu được các lợi ích khi tham gia vào tổ chức Công đoàn.
Làm lái xe Grab Bike được hơn 3 năm, anh Nguyễn Ngọc Dũng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) cho biết, trung bình mỗi ngày anh chạy xe hàng trăm cây số để đưa đón khách. Hiện vợ anh chỉ buôn bán nhỏ ở nhà, nguồn thu nhập chính để nuôi 2 con nhỏ là từ khoản tiền chạy Grab của anh Dũng. Tuy nhiên, từ sau COVID-19 bùng phát, kinh tế khó khăn khiến nhu cầu đi lại của khách hàng giảm, thu nhập của anh cũng giảm theo, anh phải tự tăng giờ làm để có đủ tiền chăm lo cho gia đình.
Theo anh Nguyễn Ngọc Dũng, nghề lái xe công nghệ chịu khá nhiều thiệt thòi vì hầu hết chỉ làm việc trên app, chưa được các cơ quan, đoàn thể quan tâm, bảo vệ. Khi gặp sự cố, vấn đề, các tài xế phải tự giúp nhau giải quyết. Vì vậy, anh Dũng đã hăng hái đăng ký tham gia vào Nghiệp đoàn để làm việc được hiệu quả hơn, được chính sách hỗ trợ của Công đoàn các cấp.
* Chăm lo, bảo vệ lao động khu vực phi chính thức
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng Lê Văn Đại, qua rà soát, toàn thành phố hiện có hơn 300 nghìn lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức. Đây là một con số không nhỏ, còn nhiều người lao động đang phải chịu thiệt thòi mà tổ chức Công đoàn cần tập hợp, quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo và đại diện bảo vệ. Với phương châm “Ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức Công đoàn Việt Nam”, Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng đã triển khai thành lập các Nghiệp đoàn dành cho người lao động ở khu vực phi chính thức để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho họ.
Chủ đề công tác năm 2024 của Công đoàn thành phố Đà Nẵng là “Tập trung triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn thành phố và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; phát động phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam”, trong đó trọng tâm là công tác thành lập Công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên, phấn đấu năm 2024 phát triển được thêm 19.000 đoàn viên, mục tiêu toàn nhiệm kỳ phát triển được 53.000 đoàn viên./.