Nhiều khu vực có mưa, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, đặc biệt là khu vực Bắc Bộ, điều này đã làm cho mực nước tại các hồ thủy điện ở khu vực này đã vượt mực nước chết.
TTXVN - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia từ 23/6, nắng nóng ở Bắc Bộ có xu hướng giảm dần. Từ chiều tối và đêm 23 - 25/6, khu vực này khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 70 - 150 mm/đợt, có nơi trên 200 mm/đợt. Từ ngày 26 - 29/6, Bắc Bộ chiều tối và đêm mưa rào, dông rải rác, cục bộ có mưa to.
*Nguồn nước tiếp tục được cải thiện
Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng thông tin, từ nay tới 20/7, lượng mưa trên hầu hết khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm 10 - 30%. Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ cao hơn 5 - 10%, Trung Trung Bộ thấp hơn từ 5 - 15%. Như vậy, với diễn biến này, trong những ngày tới, nguồn nước phục vụ cho sản xuất cũng như tại các hồ thủy điện ở miền Bắc sẽ tiếp tục được cải thiện.
Trong tuần qua (từ ngày 16 - 22/6), nhiều khu vực có mưa, mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, đặc biệt là khu vực Bắc Bộ, điều này đã làm cho mực nước tại các hồ thủy điện ở khu vực này đã vượt mực nước chết.
Theo Trưởng Phòng Dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng, ngày 23/6, mực nước hồ chứa thủy điện khu vực Bắc Bộ tăng nhẹ. Khu vực Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ mực nước dao động nhẹ. Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ giảm nhẹ so với ngày 22/6.
Lưu lượng, mực nước tại các hồ thủy điện thấp, dự báo lượng nước về các hồ trong thời gian tới chưa cao, các nhà máy thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ yếu điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.
Dù vậy, một số hồ vẫn xấp xỉ mực nước chết: Thác Bà, Bản Vẽ, Đồng Nai 3; hồ Thác Mơ vẫn ở mực nước thấp. Một số thủy điện phát điện cầm chừng với lưu lượng, mực nước, công suất thấp gồm: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Bản Vẽ, Thác Mơ, Đồng Nai 3.
Khu vực Bắc Bộ đã bước vào mùa lũ. Tuy nhiên, lưu lượng nước về các hồ chứa thấp. Mực nước hồ tăng chậm, phát điện cầm chừng. Theo thống kê, mực nước hồ Lai Châu (mực nước thượng lưu/mức nước chết tính đến 13 giờ ngày 23/6) hiện ở mức: 285.41/265m; hồ Sơn La: 180.45/175m; hồ Tuyên Quang: 98.69/90m, hồ Bản Chát: 440.73/431m; hồ Hòa Bình (tính đến 12 giờ ngày 23/6): 101.63/80m; hồ Thác Bà (tính đến 12 giờ ngày 23/6): 46.78/46m.
Dự báo, từ ngày 23 - 28/6, lưu lượng nước đến các hồ chứa lớn trên sông Đà có xu thế tăng.
*Tiết kiệm nước và điện
Dự báo xa hơn về xu thế lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9/2023, ông Nguyễn Văn Hưởng cho hay, tổng lượng mưa hầu hết các khu vực trong cả nước phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Riêng tháng 8/2023, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 5-20% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Mùa lũ năm 2023, các sông suối ít có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ trên các sông ở Bắc Bộ phổ biến ở mức báo động 1- báo động 2, riêng các sông suối nhỏ từ báo động 2 - báo động 3, các đợt lũ chủ yếu tập trung trong các tháng 7 đến tháng 9/2023.
Trưởng Phòng Dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng lưu ý, tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên sông Đà thiếu hụt từ 30 - 50% so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2022 khoảng 10 - 20%; trên sông Gâm thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2022 khoảng 10 - 30%; trên sông Chảy thiếu hụt từ 10- 15% so với trung bình nhiều năm, thấp hơn năm 2022 khoảng 20-30%.
Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc.
Từ nửa cuối tháng 6 đến tháng 8, các các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 3-4 đợt lũ; các sông khác ở Trung Bộ biến đổi chậm theo xu thế xuống dần. Trong thời kỳ này, cần đề phòng xảy ra khô hạn cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh, thành phố ven biển Trung Bộ.
Tháng 9/2023, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt lũ. Lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20 - 50%, một số sông thấp hơn 75%. Riêng các sông ở Thừa Thiên - Huế, sông Thu Bồn (Quảng Nam), Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và khu vực Nam Tây Nguyên ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 35%.
Tại khu vực Nam Bộ, mực nước trên sông Đồng Nai tại Tà Lài có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt lũ, đỉnh lũ cao nhất năm có khả năng ở mức báo động 1 - báo động 2.
Từ nay đến tháng 9/2023, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng dần và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 20%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế lên dần.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, tháng 7 đến tháng 9, do ảnh hưởng của trạng thái El Nino (hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương), nắng nóng có khả năng gia tăng từ khoảng tháng 7 đến tháng 8, tập trung nhiều tại khu vựcBắc Bộ và Trung Bộ.
Cao điểm nắng nóng tại miền Bắc tập trung vào tháng 7; miền Trung là tháng 7 đến tháng 8. Các đợt nắng nóng trung bình kéo dài từ 2 - 4 ngày, có đợt dài hơn. Số ngày nắng nóng năm 2023 có thể xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022. Nhiều khả năng xuất hiện những giá trị nhiệt độ cao nhất vượt kỷ lục cũ đã từng được quan trắc.
Ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh, với tình hình mưa ít, nắng nóng xảy ra sẽ làm cho dòng chảy đến các hồ giảm. Thực tế cho thấy, mực nước tại nhiều hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ dù đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức rất thấp.
Điều này ảnh hưởng đến khả năng phát điện của các hồ thủy điện, trong khi nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy, nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc trong thời gian tới sẽ có khả năng tiếp tục đối mặt với tình hình thiếu điện, thiếu nước.
Trước tình hình trên các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân cần thực hiện tốt việc tiết kiệm nước để phục vụ cho sản xuất và đời sống, đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025. Người dân cần tiết kiệm điện bằng cách tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, rút phích cắm ra khỏi ổ khi không sử dụng thiết bị điện, vệ sinh thiết bị sử dụng lâu ngày, tận dụng nguồn sáng và nguồn gió tự nhiên./.