Nước ngầm cạn kiệt, nhiều vùng nông thôn ở Vĩnh Phúc nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
Nắng nóng xuất hiện từ đầu tháng 5 và theo dự báo có khoảng 6 - 8 đợt nắng nóng diện rộng tháng 5 đến tháng 7, nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.
TTXVN - Tình trạng nắng nóng kéo dài, thêm vào đó là nguồn nước ngầm cạn kiệt đã khiến cho không ít vùng nông thôn ở Vĩnh Phúc có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Trên thực tế, tại một số địa bàn, người dân đã phải đi xin nước ở các khu dân cư lân cận, đặc biệt, có nơi, bà con phải bỏ tiền mua nước với giá gấp cả chục lần so với giá nước các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh đang bán cho người tiêu dùng ở vùng đô thị và nông thôn.
Những tháng gần đây, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn xã Cao Phong, huyện Sông Lô đã gây ra nhiều phiền toái cho người dân địa phương. Chị H (thôn Sơn Phục xã Cao Phong) cho biết, giếng nước của gia đình chị bị cạn kiệt và không thể khai thác. Để có nước, gia đình chị phải dậy từ sáng sớm đi sang các địa bàn dân cư lân cận để mua nước với giá gần 200 ngàn đồng/m3.
Vấn đề thiếu nước sinh hoạt của gia đình chị H. không phải là trường hợp cá biệt, mà là tình trạng chung của cả trăm hộ dân trong thôn Sơn Phục. Để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ dân trong thôn đã bỏ tiền để khôi phục chiếc giếng làng đã bỏ hoang từ lâu, nhưng nước khai thác được từ chiếc giếng này sau khi cải tạo, nâng cấp cũng chẳng được là bao, tạm đủ dùng cho vài hộ dân trên tinh thần nhường nhịn nhau, các hộ thay phiên nhau để khai thác.
Theo người dân địa phương, tình trạng thiếu nước sạch ở Cao Phong ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Từ lâu, người dân ở tất cả các thôn, xóm trong xã dùng nước giếng khơi tự đào, độ sâu phổ biến trên dưới 10 mét và nguồn nước giếng rất ổn định, trong sạch. Nguồn nước ngầm xuống cấp, suy giảm, dần khiến cho nhiều giếng khơi hết nước, cạn trơ đáy. Tình trạng giếng khơi cạn nước diễn ra phổ biến ở và nhiều gia đình đành phải lấp bỏ giếng vì nước cạn kiệt và không thể khôi phục.
Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, UBND xã Cao Phong đang đề xuất, kiến nghị tỉnh Vĩnh Phúc có biện pháp hỗ trợ người dân ở các khu dân cư đang thiếu nước. Về lâu dài, Cao Phong đề nghị tỉnh xây dựng nhà máy nước để người dân ở tất cả 13 khu dân cư trong xã và địa bàn lân cận được sử dụng nguồn nước sạch, để bà con đỡ vất vả khi phải đi xin từng can nước, mua nước sinh hoạt với giá đắt.
Không chỉ xã Cao Phong, huyện Sông Lô đang khan hiếm nước sinh hoạt, tại các địa phương khác của tỉnh Vĩnh Phúc, vấn đề thiếu nước cũng đáng lo ngại. Theo phản ánh của người dân, từ đầu năm 2023 tới nay, nhiều khu dân cư thuộc địa bàn các xã Đồng Ích, Xuân Lôi, Tiên Lữ (huyện Lập Thạch) khan hiếm nước sinh hoạt do các công trình cấp nước của hộ gia đình là giếng khơi, giếng khoan bị cạn kiệt nguồn nước. Hàng trăm hộ gia đình đang phải mua nước sinh hoạt từ nơi khác chở xe chuyển về bán với giá cao trên dưới 200.000 đồng/m3.
Nhiều năm qua, hàng loạt giếng khơi ở không ít địa phương trên địa bàn tỉnh đã bị người dân lấp bỏ hoặc bỏ hoang do cạn kiệt nguồn nước, nhiều giếng có nước nhưng bị ô nhiễm, không đảm bảo khai thác nước để sinh hoạt. Nguyên nhân do nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất... đã sử dụng quá nhiều giếng khoan có độ sâu tới 50 đến 70 mét, thậm chí có giếng sâu cả trăm mét, thường xuyên sử dụng động cơ điện khai thác nước với trữ lượng lớn để sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và sản xuất tiểu thủ công nghiệp... khiến cho nước tầng trên gần mặt đất bị suy giảm. Một số địa bàn khác giếng khơi có nước nhưng do nước mặt ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, nước xả thải từ sản xuất, các loại chất thải sinh hoạt...
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các sở ngành, địa phương liên quan tăng cường quản lý nhà nước về cấp nước sạch trên địa bàn. Các địa phương đôn đốc chủ đầu tư các dự án nâng cấp công suất, mở rộng đường ống cấp nước theo quy định, giải quyết nhu cầu cấp thiết của cư dân về sử dụng nước sạch. Vĩnh Phúc có chính sách hỗ trợ đầu tư dự án cung cấp nước sạch và hỗ trợ giá nước sạch cho vùng nông thôn tại tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp quản lý và sử dụng nguồn nước hiệu quả thông qua việc vận động tuyên truyền mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao năng lực các công trình chứa lớn (ao, hồ, đầm...) ở vùng ven rừng núi ít bị ô nhiễm, nâng cao chất lượng rừng. Tập trung quản lý, thu gom, xử lý các loại chất thải, nước thải để góp phần bảo vệ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nước mặt trên phạm vi rộng...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trên địa bàn tỉnh, lượng mưa từ đầu năm 2023 đến nay chỉ đạt 60-70% so với trung bình nhiều năm. Mực nước các hồ chứa hiện tại chỉ đạt 27,7% dung tích thiết kế. Nắng nóng xuất hiện từ đầu tháng 5 và theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh có khoảng 6 - 8 đợt nắng nóng diện rộng tập trung từ tháng 5 đến tháng 7. Nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới./.