Môi trường

Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai làm việc tại Phú Thọ

Phú Thọ

Từ đầu năm đến nay, Phú Thọ xảy ra ba đợt thiên tai, gây thiệt hại ước khoảng 16,3 tỷ đồng.

Đoàn kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông Thao đoạn qua địa bàn xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

TTXVN - Ngày 13/7, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an làm Trưởng đoàn, đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai năm 2023 của tỉnh Phú Thọ.

Năm 2022, Phú Thọ xảy ra 13 đợt thiên tai làm một người chết, một người bị thương; hư hỏng 120 ngôi nhà; ngập úng 1.700ha lúa và rau màu; sạt lở, hư hại một số công trình giao thông, thủy lợi… Tổng thiệt hại ước tính 94,3 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra ba đợt thiên tai, gây thiệt hại ước khoảng 16,3 tỷ đồng. Căn cứ vào tình hình thực tế, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai; phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro. Trong năm 2022, tỉnh đã tu bổ, sửa chữa 10 cống dưới đê, cải tạo nâng cấp 19km đê các loại, triển khai xử lý khẩn cấp các công trình sạt lở bờ sông với chiều dài 3,1km; cải tạo, nâng cấp 10 công trình hồ đập; tiếp tục thực hiện ba dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai trên địa bàn huyện Tân Sơn và một số dự án trọng điểm...

Sáu tháng đầu năm 2023, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo thi công xong hai công trình xử lý khẩn cấp thuộc thị trấn Hạ Hòa (huyện Hạ Hòa) và xã Dân Quyền (huyện Tam Nông); tiếp tục đôn đốc thi công hai công trình xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở ngòi tiêu hạ lưu cống Tiên Du và cống Dầu thuộc huyện Phù Ninh... Tổng nguồn lực huy động từ ngân sách tỉnh, hỗ trợ từ Trung ương, Quỹ Phòng, chống thiên tai và nguồn từ các tổ chức xã hội cho công tác phòng, chống thiên tai từ năm 2022 đến nay gần 200 tỷ đồng. 100% xã, phường, thị trấn đã kiện toàn cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

Kết luận buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên ghi nhận những kết quả trong công tác phòng, chống thiên tai của Phú Thọ; yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh sớm hoàn thành kiểm tra cơ sở theo kế hoạch đề ra; tăng cường diễn tập ứng phó sự cố phù hợp với từng địa phương; Tỉnh chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. 

Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung rà soát, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư các công trình, dự án khắc phục sự cố các công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai đang thực hiện trên địa bàn; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án bảo vệ trọng điểm đê, kè; tăng cường công tác hậu kiểm đối với những địa bàn có sự cố công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai…

Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên chỉ đạo bộ phận giúp việc tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Chính phủ quan tâm tiếp tục đầu tư, cấp phát các trang thiết bị thiết yếu cho công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đặc biệt là các thiết bị, công nghệ cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và các trang thiết bị phục vụ thông tin liên lạc; tăng cường hỗ trợ các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai từ cấp tỉnh đến cấp xã.../.


PV

Tin liên quan

Xem thêm