Đoàn Đại biểu Quốc hội khảo sát Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình
Ngân hàng Chính sách xã hội cần rà soát đúng, trúng với những trường hợp cần cho vay.
(TTXVN) Chiều 22/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khảo sát “Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQCP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh tỉnh Hòa Bình”.
Tại buổi khảo sát, ông Hoàng Đức Chính, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh, những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình đã đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, nhất là công tác giảm nghèo tại địa phương. Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã có nhiều trường hợp hộ nghèo, khó khăn được tiếp cận nguồn vốn chính sách và sử dụng có hiệu quả. Đặc biệt là giúp người dân, doanh nghiệp ổn định, phục hồi sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19... Tuy nhiên, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cần rà soát đúng, trúng với những trường hợp cần cho vay; cần kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện nguồn vốn hiệu quả; quan tâm đến nguồn vốn cho vay đối với nhà ở công nhân, nước sạch và vệ sinh môi trường…
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Minh Hưng đã nêu một số khó khăn, tồn tại và nguyên nhân dẫn đến kế hoạch tăng trưởng dư nợ chưa cao, như đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội, khách hàng nhận tiền vay theo tiến độ công trình, khách hàng không đủ điều kiện vay vốn hoặc có nguồn thu trả nợ trước hạn.
Đối với chương trình tín dụng học sinh, sinh viên và cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, do khảo sát nhu cầu vay vốn vào thời điểm dịch COVID-9, nhưng đến khi thực hiện cho vay thì dịch bệnh được kiểm soát. Riêng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, khi rà soát nhu cầu vay vốn tại cơ sở, một số tiêu chí chưa cụ thể về trường hợp, điều kiện, mức vay và hầu hết chưa có quyết định, danh sách hộ được hưởng...
Ông Nguyễn Minh Hưng kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Chính phủ, cần mở rộng trường hợp cho vay đối với hộ gia đình có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật để phát triển sản xuất kinh doanh. Nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/công trình). Nâng thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của các loại cây trồng có thời gian sinh trưởng dài như trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ. Dừng chương trình cho vay học sinh, sinh viên có gia đình hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến…
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình, tính đến tháng 11/2022, chi nhánh đã thực hiện cho vay, hỗ trợ lãi suất trên 274,2 tỷ đồng, với 4.254 khách hàng vay vốn của 5/5 chương trình gồm: Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; nhà ở xã hội; học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện hỗ trợ các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm phát sinh từ ngày 1/1/2022 với số tiền trên 12,47 tỷ đồng cho 29.788 khách hàng...
Tại buổi giám sát, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã giao bộ phận tham mưu tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội chuyển các ngành chức năng sớm xem xét, giải quyết. Đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền gửi bộ, ngành, Quốc hội xem xét, giải quyết theo đúng quy định./.
- Từ khóa:
- Đại biểu Quốc hội
- tiếp xúc
- giám sát
- khảo sát