Chính phủ hành động

Đoàn kiểm tra liên ngành của Ủy ban Quốc gia về trẻ em làm việc tại Tây Ninh

Tây Ninh

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh đặc biệt luôn được tỉnh Tây Ninh quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phát biểu. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

TTXVN - Ngày 29/11, Đoàn kiểm tra liên ngành của Ủy ban Quốc gia về trẻ em do bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban làm Trưởng đoàn có buổi kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Luật Trẻ em, thực hiện quyền trẻ em năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh Trương Thị Phương Thảo cho biết, đến ngày 31/10/2023, số trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn tỉnh là 210.301 trẻ. Trong đó, trẻ em dưới 6 tuổi là 91.103 trẻ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 3.209 trẻ; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 4.411 trẻ; trẻ em bị tai nạn thương tích 1.221 trẻ, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ bị ảnh hưởng COVID-19 là 76 trẻ, trong đó có 8 trẻ mồ côi cả cha và mẹ.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh đặc biệt luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ được sống, học tập, vui chơi lành mạnh, ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Trẻ em tỉnh Tây Ninh cho biết.

Ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Trẻ em tỉnh Tây Ninh phát biểu. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Tỉnh tổ chức triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Các quyền của trẻ em được bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định của pháp luật về quyền trẻ em. Công tác giáo dục trẻ em tại địa phương được quan tâm chỉ đạo thực hiện hàng năm. Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi huy động vào lớp 1 đạt 100% năm 2023; tỷ lệ trẻ em bỏ học bậc tiểu học 0,2%, trung học cơ sở 0,68%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình cấp tiểu học là 99,9%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình cấp trung học cơ sở là 81%; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc với các hình thức như: được hưởng trợ cấp xã hội; được trợ giúp về khám chữa bệnh, chỉnh hình phục hồi chức năng; hỗ trợ về giáo dục; tư vấn, tham vấn, tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em; hưởng các phúc lợi xã hội và các hình thức trợ giúp khác. Các chính sách trợ cấp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, đầy đủ và đúng đối tượng thụ hưởng.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vẫn còn những hạn chế như: Công tác thu thập số liệu, cập nhật thông tin về trẻ em còn hạn chế. Trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn còn xảy ra (năm 2023 có 44 trẻ em); trẻ em bị tai nạn thương tích còn cao. Một số trường hợp trẻ em cần bảo vệ đặc biệt nhưng chưa được quan tâm đúng mức như: Trẻ em còn cha mẹ nhưng không được sống cùng cha mẹ, trẻ em trong các gia đình có vấn đề xã hội; trẻ em khi cha mẹ ly hôn phải sống nhờ vào sự chăm sóc của ông bà.

Một vài địa phương chưa thực hiện tốt việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, phường, thị trấn còn kiêm nhiệm và có biến động, chưa ổn định. Ở các huyện vùng nông thôn, vùng biên giới, việc tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, giải trí lành mạnh, phát triển năng khiếu còn hạn chế.

Bà Trương Thị Phương Thảo, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh phát biểu. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Tại buổi làm việc, các đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo công tác trẻ em tỉnh Tây Ninh và thành viên Đoàn công tác kiểm tra liên ngành của Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã thảo luận, làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật trẻ em, chính sách, pháp luật về công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh, trong đó có các khó khăn trong công tác bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng; công tác phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống đuối nước; phòng, chống xâm hại tình dục ở trẻ em, thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi, khó khăn trong việc cấp mã định danh cho trẻ em là con của người gốc Việt về từ Campuchia…

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác thực hiện quyền trẻ em, công tác tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực trẻ em trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các sở, ban, ngành, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội và đời sống cho người dân, góp phần thực hiện tốt các chiến lược an sinh xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Tây Ninh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Trẻ em, các nghị quyết, chương trình, đề án, quyết định của Chính phủ, nghiên cứu đưa chỉ tiêu về trẻ em vào quy hoạch, chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm tốt vai trò của ban chỉ đạo điều hành; bố trí nhân lực, kinh phí tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản liên quan đến công tác trẻ em hiện nay; tăng cường phối hợp các cấp, các ngành trong việc thực hiện quyền trẻ em trong thời gian tới. Đối với đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn./.


Minh Phú

Tin liên quan

Xem thêm