Nghiên cứu cơ chế liên thông giữa ba cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và môi trường.
TTXVN - Theo kết quả khảo sát Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2022 - APCI 2022, trung bình mỗi doanh nghiệp phải mất 41,2 giờ và 41,7 triệu đồng để hoàn thành thủ tục hành chính về xây dựng. Khảo sát trên được thực hiện, với 3 thủ tục hành chính: Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng/điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở/điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (cấp tỉnh) và cấp giấy phép xây dựng công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II.
Khảo sát do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME).
Nhóm thủ tục hành chính xây dựng có điểm số APCI 2022 không thay đổi nhiều so với APCI 2021 (chỉ giảm 0,8 điểm), mức chênh lệch giữa điểm cao nhất và thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022 là 10,9 điểm.
Kết quả khảo sát APCI 2022 ghi nhận những điểm sáng trong việc nộp hồ sơ thông qua phương thức trực tuyến khi tỷ lệ tăng so với kết quả khảo sát APCI 2021. Kết quả này thể hiện được phần nào sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trong việc điện tử hóa thủ tục hành chính và thực tiễn tốt này cần được tiếp tục nhân rộng và đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Những kiến nghị doanh nghiệp mong muốn được giải quyết để việc thực hiện các thủ tục hành chính về xây dựng được dễ dàng và thuận lợi hơn, đó là đơn giản hóa biểu mẫu, giảm bớt thành phần hồ sơ, giảm bớt yêu cầu photo, chứng thực, scan để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, tiếp tục cải cách mạnh mẽ việc thực hiện thủ tục hành chính bằng phương thức trực tuyến và nâng cấp chất lượng đường truyền của Cổng dịch vụ công địa phương, mở rộng các hình thức thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, những bất cập liên quan đến thực hiện thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường trong thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, cần được giải quyết; tăng cường hoạt động phổ biến thông tin về các thủ tục mới và nghiên cứu cơ chế liên thông giữa ba cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và môi trường.
Liên quan đến chi phí không chính thức, so với APCI 2021, tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát cho rằng có phát sinh chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính xây dựng, tiếp tục giảm (còn 2% so với 3% APCI 2021)./.