Giáo dục

Đổi mới, tạo chuyển biến về quy mô, chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp

Thúc đẩy đào tạo lao động tay nghề cao, chuẩn bị cho xu thế chuyển dịch đầu tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Học viên trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận thực hành mô hình hệ thống chuyển đổi năng lượng điện gió. (Ảnh: TTXVN phát).

TTXVN - Tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến về quy mô, chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành trọng điểm, mũi nhọn đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề mới với kỹ năng mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ trọng tâm được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề ra trong năm 2024, tại cuộc họp tổ chức chiều 16/1, ở Hà Nội.

Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể là: tuyển sinh hơn 2,4 triệu người (trình độ cao đẳng, trung cấp là 530.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,9 triệu người); hơn 2,1 triệu người tốt nghiệp (trình độ cao đẳng, trung cấp là 346.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng là 1,8 triệu người).

Các nhiệm vụ tập trung triển khai trong thời gian tới là: Thực hiện các giải pháp đột phá, phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm, hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy công tác tuyển sinh, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp, khu chế xuất, những ngành nghề mới, kỹ năng mới; thúc đẩy đào tạo lao động có trình độ tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu phát triển, chuẩn bị cho xu thế chuyển dịch đầu tư, góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Giờ học về điện tại Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Năm 2023, công tác giáo dục nghề nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác tuyển sinh có nhiều tín hiệu tích cực, thực hiện việc phân luồng tốt hơn, đặc biệt là tuyển sinh được nhiều học sinh, sinh viên đăng ký học các ngành, nghề trọng điểm mũi nhọn; ước tuyển sinh đạt gần 2,3 triệu người (đạt 100% kế hoạch năm). Tốt nghiệp ước đạt hơn 2 triệu người.

Chỉ số "Chất lượng đào tạo nghề" (B6) được nâng lên ít nhất 5 bậc. Theo số liệu điều tra, thống kê về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2023, chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam dựa trên kết quả đánh giá của doanh nghiệp đã có những bước thăng hạng nhảy vọt. So với năm 2022, Chỉ số chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam với điểm trung bình trong số 4.82 trên thang điểm 7, tăng 8 bậc, vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao (5 bậc). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam nằm trong tốp 4 và chỉ xếp sau Singapore và Indonesia...

Theo số liệu thống kê, hiện nay, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập hiện có 684 cơ sở (chiếm 36,2%). So với thời điểm ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, cả nước đã giảm được 181 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập (giảm 14%)./.

Phúc Hằng

Xem thêm