Xã hội

Đổi thay ở huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Long An

Long An

Một kết quả nổi bật của huyện nông thôn mới nâng cao Châu Thành là giảm nghèo bền vững. Toàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Trung tâm thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An. 
Ảnh: TTXVN phát

Long An hiện có 5/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong đó, Châu Thành vừa được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh. Long An hiện có 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó riêng huyện Châu Thành có 5 xã.

* Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Người dân Châu Thành thu hoạch thanh long. 
Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành đã tập trung khai thác mọi nguồn lực để tiếp tục phát triển, đạt được những thành tựu như hôm nay. Đến cuối năm 2024, huyện đã có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 -2025; 5/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thị trấn Tầm Vu đạt chuẩn đô thị văn minh.

Xây dựng nông thôn mới, huyện định hướng phát triển sản xuất theo hướng tập trung chuyển đổi đất sản xuất lúa hiệu quả thấp sang trồng cây thanh long, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, trong đó có thanh long và tôm. Ngoài ra, huyện chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch và áp dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.

Ở 12 xã hiện có 21 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trái thanh long đảm bảo bền vững, tổng diện tích 314,8 ha; thời gian hợp đồng liên kết ổn định (từ 1 - 3 chu kỳ). Trái thanh long được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng thống nhất giữa các bên liên kết (VietGAP, GlobalGAP). Các xã đều có sản phẩm được thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc đảm bảo yêu cầu lưu trữ, truy xuất thông tin ở mỗi công đoạn từ sản xuất đến lưu trữ, chế biến đến thương mại sản phẩm và chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Gia đình ông Trương Minh Trung (sinh năm 1970, xã An Lục Long) trồng thanh long từ năm 1990, đến nay, diện tích trồng thanh long của gia đình là 2 ha. Ông Trung cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ nông dân biết ứng dụng công nghệ cao để sản xuất, làm theo chuẩn Gap để bán được giá tốt hơn. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng nâng cao.

Từ khi thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, người dân luôn đồng tình, nhất trí cao, đồng thuận hiến đất, đóng góp tiền để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, công trình nước sạch và tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổng nguồn lực huyện Châu Thành huy động giai đoạn 2021 - 2025 là gần 650 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 48,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 92,5 tỷ đồng, huyện 448,6 tỷ đồng, xã 27,2 tỷ đồng và nguồn huy động từ nhân dân hơn 32,1 tỷ đồng.

Địa phương đã phát động phong trào xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn “Sáng, xanh, sạch, đẹp” để xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn. Huyện đã xây dựng được 13 tuyến đường với chiều dài 32,5km. Chị Thúy Phương (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) chia sẻ, chị tự hào và rất phấn khởi khi bộ mặt nông thôn của địa phương đổi mới và ngày càng khang trang. Điều chị ấn tượng nhất khi xây dựng nông thôn mới là ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi của người dân thay đổi rõ rệt, đường sá khắp các thôn, xóm đều sạch đẹp.

Ở huyện, các tuyến đường trục xã, ấp, ngõ, xóm đều được mở rộng, nhựa hóa và bê tông hóa đảm bảo giao thông thuận lợi thông suốt giúp người dân đi lại dễ dàng, việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ, góp phần đảm bảo tưới tiêu trong nông nghiệp. Trường học được xây dựng khang trang đáp ứng và phục vụ tốt việc học tập của con em địa phương…

* Giảm nghèo bền vững

Thanh long là cây trồng chủ lực của huyện nông thôn mới nâng cao Châu Thành.
 Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN

Một kết quả nổi bật của huyện nông thôn mới nâng cao Châu Thành là giảm nghèo bền vững. Địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư; tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn... Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn là 1,21%; năm 2024 giảm còn 0,64%.

Đến nay, toàn huyện không còn nhà tạm, nhà dột nát. Nhà ở bán kiên cố chiếm 3,1%, nhà ở kiên cố chiếm 96,9% (xã thấp nhất 90,1% nhà kiên cố). Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các xã đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ vốn và vận động xây dựng mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo. Nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, cùng với nguồn thu nhập ngày càng tăng, người dân địa phương có điều kiện để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa nhà ở ngày càng khang trang.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Thị Diễm Quỳnh thông tin, bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới đó là làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ và nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể. Người dân phải tự làm là chính và họ là người được hưởng thụ; Nhà nước chỉ hỗ trợ. Lợi ích của người dân là động lực, sự tham gia của cộng đồng dân cư chính là quyết định thành công của chương trình.

Cùng với đó, địa phương đã thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; đảm bảo công khai cho tổ chức đoàn thể, cán bộ, đảng viên và mọi người dân được tham gia đóng góp xây dựng và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Bài học xuyên suốt là phát huy dân chủ, công khai minh bạch để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Huyện xác định việc xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc; xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, các tiêu chí đạt về chất lượng, xây dựng vùng nông thôn có cảnh quan, môi trường "Sáng, xanh, sạch, đẹp". Địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại; an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Châu Thành dự kiến tổng nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030 là 1.000 tỷ đồng; trong đó, huy động từ nhân dân là 30 tỷ đồng.

Châu Thành tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch theo hướng hiện đại, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Tỉnh chú trọng phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung đáp ứng yêu cầu 4 có - có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao.

Giai đoạn 2026 - 2030, huyện tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp thông minh, hiện đại. Địa phương tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn liên kết theo chuỗi giá trị; chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm thế mạnh. Châu Thành tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm và thực hiện sơ chế, chế biến, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác đối với sản phẩm…/.


Đức Hạnh

Xem thêm