Văn hóa

Đồng bào dân tộc trình diễn nghề dệt thổ cẩm chủ đề “Màu thời gian”

Nghề thủ công truyền thống đã tạo nên những nét đẹp, sắc màu riêng, không gian trải nghiệm độc đáo cho khách tham quan.

Thổ cẩm người Dao đỏ. (Ảnh: Nam Sương/TTXVN).

TTXVN - Phần trình diễn nghề dệt thổ cẩm của các làng dân tộc tại với chủ đề “Màu thời gian” là hoạt động điểm nhấn trong chuỗi hoạt động nhân tháng “Sắc màu thổ cẩm” diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Các hoạt động diễn ra trong suốt tháng 7/2023 nhằm tạo sân chơi bổ ích ngày hè cho các bạn nhỏ.

Theo Ban Tổ chức, nghề truyền thống là tri thức bản địa, bảo tồn nghề là bảo tồn tri thức bản địa, bảo tồn kỹ năng sống, giá trị văn hóa của đồng bào. Mỗi sản phẩm thủ công truyền thống đều có câu chuyện, lời răn dạy, kiến thức tích lũy từ đời sống của đồng bào các dân tộc... Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc vẫn giữ gìn, phát triển nghề thủ công truyền thống, tạo nên những nét đẹp, sắc màu riêng, không gian trải nghiệm độc đáo cho khách tham quan.

Đây cũng là môi trường để các nhóm đồng bào dân tộc bảo tồn nghề truyền thống. Dân tộc Thái, Mường có nghề dệt thổ cẩm truyền thống; dân tộc Mông với nghề se lanh dệt vải; dân tộc Tà Ôi với nghề dệt Zèng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận; dân tộc Ba Na, Ê Đê có nghề dệt theo truyền thống Tây Nguyên; thêu truyền thống của dân tộc Khmer, Nam Bộ…

Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm dệt Zèng của Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN).

Tại đây, đồng bào giới thiệu nhiều sản phẩm từ nghề dệt và trang phục truyền thống; sản phẩm đặc trưng, giúp du khách hiểu, cùng trải nghiệm quy trình dệt vải. Du khách sẽ được thao tác một công đoạn của quy trình dệt, tìm hiểu ý nghĩa của sắc màu kết hợp, tạo nên một tổng thể hài hòa mang ý nghĩa về nhân sinh quan, đất và người của các cộng đồng dân tộc.

Bên cạnh nghề dệt, các nghệ nhân ở nhiều ngành nghề thủ công truyền thống còn trình diễn nghề chế tác nhạc cụ truyền thống, đan lát, thêu và giới thiệu nghề làm thuốc.

Đến với Làng, du khách được trải nghiệm văn hóa truyền thống gắn với không gian của đồng bào dân tộc. Du khách được tìm hiểu về kiến trúc, trang phục, dân ca dân vũ, lễ hội..., cùng với đó là các loại hình diễn xướng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trò chơi dân gian truyền thống; giao lưu văn nghệ. Cụ thể là thổi Đinh Năm hát ay ray, đàn Chapi, đàn đá, hát những ca khúc về Tây Nguyên…; chơi ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đi cầu kiều, đánh yến, tó má lẹ.

Trong quá trình cùng tạo nên sản phẩm thủ công, du khách còn được nghe những câu chuyện gắn với cộng đồng dân tộc để hiểu hơn về giá trị truyền thống; qua đó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, khát khao tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa của các bạn nhỏ.

Vào tháng 7/2023, tại Làng, Lễ dâng y tắm mưa (hay còn gọi là lễ nhập hạ) sẽ được tổ chức. Đây là nghi thức có từ thời Đức Phật còn tại thế, trước khi chư tăng nhập hạ an cư trong 3 tháng mùa mưa được phép thọ nhận “y tắm mưa” để sử dụng trong thời gian ở hạ. Vào ngày lễ này, các gia đình phật tử tập trung tại chùa, dâng cúng đến chư tăng các vật dụng cần thiết. Lễ vật không thể thiếu là những cây nến (đèn cầy) to để thắp liên tục trong 3 tháng nhập hạ, đánh dấu thời điểm an cư tại một ngôi chùa…

Các hoạt động tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra hàng tháng góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch./.

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm