Du lịch

Đồng Tháp: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, làng nghề

Đồng Tháp

Việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch ở Đồng Tháp là hướng đi cần thiết và quan trọng, tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn.

Du khách trải nghiệm ở khu du lịch cánh đống hoa, thành phố Sa Đéc. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN)

TTXVN - Ngày 4/8, Trung Tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp tổ chức Tọa đàm “Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông nghiệp, làng nghề”.

Hiện nay, tỉnh có 357 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao; một sản phẩm đạt 5 sao góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, làng nghề. Ông Huỳnh Kim Khuê, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, hoạt động văn hóa - du lịch là một kênh tiêu thụ hữu ích, giúp cho bà con ở vùng sâu vùng xa giới thiệu được sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Điển hình, các sản phẩm đặc sản của tỉnh như: Xoài Cao Lãnh, sen, quýt, nhãn hay các loại rượu từ sen… đã được du khách cả nước biết đến thông qua các lễ hội (như: Lễ hội Xoài, Lễ hội Sen). Huyện Cao Lãnh, huyện Lai Vung đã đưa hoạt động "Du lịch trải nghiệm mùa Xoài, Quýt” trở thành hoạt động thường niên… để du khách được trải nghiệm thực tế tại nhà vườn, được tìm hiểu về quy trình canh tác của người nông dân với mô hình “ Cây Xoài nhà tôi”...

Thực tế có một số địa phương đã năng động, chuyên nghiệp trong quảng bá sản phẩm và kết nối giữa các ban, ngành; nhất là kết hợp quảng bá sản phẩm OCOP với du lịch.

Ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn cho rằng, việc gắn kết sản phẩm OCOP với du lịch ở Đồng Tháp là hướng đi cần thiết và quan trọng, tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn; đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương. Tỉnh đã dựa trên sản phẩm OCOP phát triển sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP gắn với du lịch góp phần làm phong phú cho chương trình, thu hút khách tham quan, trải nghiệm

Ông Phan Bửu Toàn cho rằng, những sản phẩm OCOP của Đồng Tháp cần được cơ cấu lại để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách du lịch; đầu tư dòng sản phẩm dành cho du khách; giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh. Du lịch muốn phát triển cần có sản phẩm đặc trưng OCOP, mang yếu tố bản địa từ những làng nghề. Du lịch và sản phẩm OCOP cùng nằm trong chuỗi giá trị, không tách rời nhau sẽ tạo lợi thế kép trong phát triển. Tỉnh cần xác định lại sản phẩm OCOP nào phù hợp gắn với du lịch, từ đó tập trung đầu tư để cả hai cùng phát triển.

Trưng bày sản phẩm OCOP thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp. (Ảnh: Văn Trí/TTXVN).

Ông Đinh Công Phủ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười cho biết, huyện có 19 sản phẩm từ cây sen đạt OCOP. Các sản phẩm này đều được trưng bày, giới thiệu và bán tại các điểm du lịch Khu du lịch Đồng sen Gò Tháp, các điểm du lịch sinh thái. Dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP - Sản phẩm từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và đang triển khai thực hiện. Qua đó giúp phát triển đa dạng, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ sen; hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; phát triển các sản phẩm OCOP từ sen kết hợp du lịch sinh thái, ẩm thực sen, xây dựng hình ảnh đặc trưng của Tháp Mười với biểu tượng sen, nhằm thu hút du khách đến địa phương.

Tại Tọa đàm, nhiều chuyên gia, lãnh đạo các địa phương, nhà làm du lịch trong tỉnh đã đưa ra các giải pháp gắn kết tiêu thụ sản phẩm OCOP với du lịch như: các đơn vị, hộ gia đình sản xuất cần chú trọng hơn nữa vào chất lượng sản phẩm; áp dụng công nghệ hiện đại vào các khâu (như đóng gói, in bao bì, sấy - làm đông...) để tăng giá trị thẩm mỹ với mẫu mã đa dạng; thiết kế những chương trình du lịch tham quan và trải nghiệm hấp dẫn và có tính iên kết tại nhiều điểm có sản phẩm OCOP (như khu du lịch sinh thái, nhà vườn, làng nghề truyền thống).../.

Nguyễn Văn Trí

Xem thêm