Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm phát triển du lịch tỉnh trong thời gian tới.
TTXVN - Để từng bước hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường khách du lịch, hướng đến mục tiêu "du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" và thực hiện Chương trình phát triển du lịch năm 2023, chiều 3/8, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến hoàn thiện chương trình và dịch vụ tour du lịch với sự tham gia của 13 đoàn famtrip đến từ các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, những năm gần đây, hoạt động du lịch Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Nhận thức, quan điểm về vai trò của du lịch, hệ thống quản lý Nhà nước về du lịch được đổi mới; công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được tăng cường; chất lượng nguồn nhân lực du lịch ngày càng được nâng cao... tạo nên diện mạo và thương hiệu cho du lịch Thanh Hóa. 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Thanh Hóa đón được 8,42 triệu lượt khách, tăng 13,9% so với cùng kỳ 2022; tổng thu du lịch đạt 915.247 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, du lịch Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, vẫn thiếu những sản phẩm du lịch chất lượng cao để thu hút thị trường khách du lịch quốc tế và khách có khả năng chi trả cao. Lượt khách du lịch đến Thanh Hóa tương đối lớn nhưng chủ yếu là khách du lịch nội địa, tập trung chủ yếu vào mùa hè. Đặc biệt, việc kết nối tour, tuyến, khai thác các điểm đến mới trong chương trình tham quan của du khách chưa thật sự phong phú, hấp dẫn để kéo dài thêm thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách…
Để gợi mở cho ngành du lịch Thanh Hóa hoàn thiện chương trình và dịch vụ du lịch phù hợp với thị trường khách đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm phát triển du lịch tỉnh trong thời gian tới.
Cụ thể, Thanh Hóa cần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nhất là ở địa bàn miền núi; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành du lịch, đặc biệt là cần giữ nét hoang sơ, vốn có của các điểm du lịch cộng đồng; thu hút nhà đầu tư đến với Thanh Hóa.
Thanh Hóa cũng cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, là thế mạnh riêng có của tỉnh và đa dạng, tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên, từ đó đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa…
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết của các thành viên trong đoàn khảo sát và khẳng định đây là những gợi mở quý báu cho sự hoàn thiện, phát triển của ngành du lịch Thanh Hóa thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Thanh Hóa xác định thị trường các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất tiềm năng, bên cạnh đó tỉnh tự tin với những sản phẩm du lịch khác biệt.
Tới đây, tỉnh sẽ làm việc với các hãng hàng không để sớm khôi phục lại đường bay Cần Thơ - Thanh Hóa, cũng như các đường bay ở các tỉnh phía Nam và để thuận tiện khai thác thị trường khách du lịch từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho biết, 7 tháng đầu năm 2023, du lịch Việt Nam có nhiều tín hiệu khởi sắc với việc đón gần 6,6 triệu lượt khách quốc tế và 76,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 416 nghìn tỷ đồng. Việc tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến hoàn thiện chương trình và dịch vụ tour du lịch thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đối với việc lan tỏa hình ảnh du lịch xứ Thanh đến với du khách trong và ngoài nước, tạo không gian kết nối doanh nghiệp, liên kết với các địa phương trên cả nước; xây dựng điểm đến hấp dẫn, an toàn, nhiều trải nghiệm; đồng thời thể hiện mong muốn các doanh nghiệp lữ hành đến từ khu vực đồng bằng sông Cửu Long quan tâm giới thiệu điểm đến du lịch Thanh Hóa, chủ động xây dựng và chào bán các chương trình du lịch đến với Thanh Hóa, đưa Thanh Hóa dần trở thành điểm đến thân thuộc đối với du khách khu vực phía Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Để ngành du lịch phát triển, tới đây tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, độc đáo, hấp dẫn, chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững theo phương châm “Lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”; đồng thời quan tâm đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài mùa vụ du lịch, mở rộng thị trường nội địa với các địa phương phía Nam; từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, cách giao tiếp, ứng xử trong du lịch và đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành cùng địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch lữ hành, các nhà cung ứng dịch vụ du lịch, các điểm đến du lịch, tạo ra sự gắn kết giữa các bên với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, theo phương châm đặt ra tại Nghị quyết số 82/NQ-CP đó là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện” - ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khẳng định./.