Từ năm 2016, ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình xây dựng và phát triển ba trang tin điện tử tổng hợp phục vụ công tác quản lý, quảng bá du lịch.
TTXVN - Ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong hoạt động phát triển du lịch, coi đây là giải pháp đột phá để thu hút khách, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
* Kết nối nhà quản lý, người dân, du khách
Từ năm 2016, ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình xây dựng và phát triển ba trang tin điện tử tổng hợp phục vụ công tác quản lý, quảng bá du lịch gồm sodulich.ninhbinh.gov.vn, dulichninhbinh.com.vn và trangandanhthang.vn. Đến nay, ngành Du lịch đã khai thác hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội phục vụ quảng bá, thu hút khách du lịch thông qua trang Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Tiktok, Zalo, Google map với tên gọi chung "Ấn tượng Ninh Bình" để du khách dễ dàng "định vị" được thương hiệu du lịch Ninh Bình. Ban biên tập tích cực sử dụng ứng dụng công nghệ mới nhất một cách hiệu quả như Chat GPT trong việc sáng tạo nội dung, Canva hay Capcut làm video clip quảng bá du lịch. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch tại địa phương đều thành lập website, xây dựng Chatbot hỗ trợ tương tác với du khách.
Trang Fanpage "Ấn tượng Ninh Bình" đang có hơn 5.000 người theo dõi, trang Tiktok "Visit Ninh Bình" có 1.362 người follow và 11.500 người thích. Trong Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An 2023", tổng số lượt tương tác trên mạng xã hội là 1.021.883.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cho biết, ngành Du lịch phối hợp với Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam, VNPT Ninh Bình triển khai nhiều phần mềm, tiện ích thông minh trong du lịch, trong đó, có trạm thông tin du lịch thông minh, bản đồ số hóa các điểm tham quan, dịch vụ du lịch, xây dựng cổng thông tin du lịch Ninh Bình.
Phát triển hoàn thiện hạ tầng mạng là điều kiện quan trọng triển khai các hoạt động du lịch trực tuyến. Thực tế, nhiều điểm du lịch ở Ninh Bình như Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc, Cúc Phương và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, đều có trạm phát wifi miễn phí. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh du lịch. Nhiều cơ sở lưu trú du lịch tham gia sâu rộng vào thị trường du lịch trực tuyến, giao dịch và bán hàng trên môi trường online.
Mới đây, ngành Du lịch tỉnh đã ra mắt thêm ứng dụng du lịch thông minh "NinhBinhtourisminfo". Đây là ứng dụng di động được phát triển dành riêng cho du khách khi trải nghiệm du lịch tại Ninh Bình; kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và doanh nghiệp du lịch. Sử dụng ứng dụng, du khách được cung cấp thông tin địa điểm du lịch, lễ hội truyền thống của Ninh Bình; thông tin nhà hàng, khách sạn, đặt chỗ ăn, nghỉ; đánh giá trải nghiệm dịch vụ; tìm kiếm thông tin địa điểm mua sắm, tham quan, giải trí, dịch vụ lữ hành, di chuyển, y tế, trụ sở Công an, bưu điện... Ứng dụng có thể tải qua mã QR từ App store hoặc Google play. Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình và thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn 2010 - 2019 của tỉnh đạt 12%/năm; doanh thu tăng bình quân 23,6%/năm. Trong năm 2022, toàn tỉnh ước đón 3,7 triệu lượt khách, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến đến năm 2025, Ninh Bình đón trên 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có một triệu khách du lịch quốc tế. Đặc biệt, du lịch Ninh Bình luôn duy trì nằm trong nhóm 10 điểm đến hàng đầu, có lượng khách đến cao nhất cả nước, nhiều chuyên trang du lịch uy tín trong nước và quốc tế đánh giá, bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, được yêu thích, thân thiện nhất thế giới.
* Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng số
Theo Sở Du lịch, Ninh Bình là một trong số ít địa phương có sự đa dạng về tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên văn hóa có thể đầu tư, khai thác trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước, quốc tế. Toàn tỉnh có 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt), một di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An…
Sự phong phú đó là điều kiện thuận lợi để Ninh Bình đầu tư, bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị di tích; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch tại địa phương. Du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được kết quả đáng ghi nhận, dần khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Một trong những công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành Du lịch đó là triển khai đồng bộ hoạt động Maketing du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch Ninh Bình đối với du khách trong và ngoài nước.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 với sức mạnh lan tỏa công nghệ thông tin và số hóa đang tạo ra sự thay đổi sâu sắc đối với đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Đối với ngành Du lịch, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác marketing du lịch cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu đó. Tư duy mới, công nghệ mới sẽ giúp phương thức quản lý du lịch hiệu quả hơn; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đa dạng; đồng thời làm thay đổi phương thức, hình thái du lịch, trải nghiệm của du khách phong phú hơn.
Thời gian tới, ngành Du lịch Ninh Bình sẽ triển khai sử dụng các công cụ mới như Chat GPT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, chatbot du lịch thông minh trong công tác marketing du lịch; tăng cường tập huấn cho cán bộ trong ngành Du lịch tiếp cận và sử dụng thành thạo công cụ cũng như phần mềm hỗ trợ công tác marketing du lịch. Ngành phối hợp với doanh nghiệp xây dựng video quảng bá điểm đến, ẩm thực, làng nghề… từ đó tăng khả năng tương tác chéo để du khách tiếp cận thông tin dễ dàng hơn; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, triển khai toàn diện công tác marketing số trên hệ thống thông tin số du lịch của tỉnh và trên nền tảng số, mạng xã hội lớn.
Ngành Du lịch xây dựng kho dữ liệu video bằng công nghệ AR và AVR làm tư liệu marketing, xúc tiến trên nền tảng số; xây dựng chiến lược truyền thông về hình ảnh du lịch Ninh Bình để tạo hiệu ứng cao đối với du khách trong và ngoài nước; đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi, huy động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào hoạt động marketing du lịch. Đồng thời, ngành từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút khách du lịch, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển theo hướng xanh, bền vững./.