Phú Yên xác định công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn góp phát huy giá trị di tích, trở thành điểm đến tham quan cho khách du lịch và người dân địa phương.
(TTXVN) - Tỉnh Phú Yên đang tập trung triển khai thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, qua đó góp phát huy giá trị di tích, trở thành điểm đến tham quan cho khách du lịch và người dân địa phương.
*Nhiều di tích cần được tu bổ
Được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2011 nhưng Trại an trí Trà Kê (thuộc thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) chưa được trùng tu, tôn tạo khiến cho di tích này ngày càng trở nên hại, xuống cấp và dường như trở thành phế tích. Vào cuối năm 2022, sau khi TTXVN vào cuộc phản ánh vấn đề này, chính quyền địa phương đã tiến hành đo đạc, xác định tọa độ, ranh giới, diện tích để tổ chức cắm mốc, quản lý khu di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê, đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ đất đai để người dân khu vực xung quanh không canh tác trên diện tích đất di tích.
Theo ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Hòa, trước đây khi Trại an trí Trà Kê được công nhận di tích lịch cấp tỉnh, địa phương chưa xây dựng phương án trùng tu, tôn tạo di tích do chưa có nguồn kinh phí. Sau khi có phản ánh của báo chí, các cơ quan chuyên môn của huyện đã có đề xuất cấp trên hỗ trợ kinh phí để địa phương lập phương án trùng tu, tôn tạo di tích này. Khi có kinh phí, địa phương sẽ tiến hành đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích để trở thành địa chỉ đỏ cho học sinh và người dân đến tham quan.
Không chỉ riêng di tích Trại an trí Trà Kê mà trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện nay còn nhiều di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia chưa được đầu tư, phục dựng và chưa phát huy giá trị.
Có mặt tại Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia Lẫm Phú Lâm (thuộc khu phố 4, phương Phú Lâm, thành phố Tuy Hòa), phóng viên ghi nhận hạ tầng cơ sở nơi đây chưa được đầu tư đảm bảo. Xung quanh khu vực chính của di tích cỏ dại mọc um tùm, nền sân bị xuống cấp, tường rào một số đoạn chưa được đầu tư, gạch ngói một số vị trí bị hư hại. Người dân xung quanh khu vực Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia Lẫm Phú Lâm cho biết, hằng ngày có rất ít khách du lịch đến tham quan di tích này, di tích ngày càng xuống cấp do chưa được đầu tư trùng tu, tôn tạo.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 108 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 85 di tích cấp tỉnh. Trong đó có nhiều di tích xuống cấp chưa được tu bổ, tôn tạo và phục hồi như: Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia Lẫm Phú Lâm (thành phố Tuy Hòa), Di tích lịch sử quốc gia Nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (huyện Đồng Xuân), Di tích lịch sử quốc gia Mộ và Đền thờ Lê Thành Phương (huyện Tuy An), Di tích lịch sử quốc gia Đường số 5 (huyện Tây Hòa)...
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích của ngành và các địa phương thực hiện theo phân cấp quản lý; trách nhiệm các ban, ngành và chính quyền các cấp được phân công cụ thể. Đối với việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu UBND tỉnh và phối hợp với các địa phương tham mưu UBND tỉnh đầu tư tu bổ tôn tạo 13 di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt với trên 100 tỷ đổng. Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn của Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện.
*Xã hội hóa việc trùng tu di tích
Trong những năm gần đây, một số huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đã quan tâm, bố trí ngân sách địa phương và kêu gọi xã hội hóa để thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi một số di tích được giao quản lý. Các di tích sau khi được đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo đã trở thành nơi giáo dục truyền thống và điểm tham quan thu hút khách du lịch. Tuy nhiên do nguồn ngân sách hạn hẹp nên công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích chưa kịp thời, nhiều di tích xuống cấp chưa được tu bổ, tôn tạo và phục hồi.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, để công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, nhất là việc đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích để phục vụ phát triển du lịch tỉnh. Hiện nay, Sở đã hoàn chỉnh dự thảo đề án này và báo cáo UBND tỉnh xem xét, ban hành. Sau khi đề án được phê duyệt, ngành văn hóa sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai đề án, chú trọng việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cũng sẽ rà soát quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên (ban hành tại Quyết định số 21/2014/QĐ-UBND ngày 22/7/2014) để đề nghị thay thế cho phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở cũng đã đề nghị hàng năm tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng của từng di tích theo phân cấp quản lý; qua đó kịp thời xây dựng kế hoạch, phương án bảo quản, tu bổ, tôn tạo, phục dựng, nâng cấp cho từng di tích và đề xuất đầu tư cho từng giai đoạn./.
- Từ khóa:
- Phú Yên
- di tích lịch sử
- văn hóa
- trùng tu
- tôn tạo