Du lịch

Khai thác, phát triển hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn

Hà Nội

Sở Du lịch Hà Nội sẽ đánh giá một cách tổng quát tiềm năng, cách thức phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội nhằm khai thác, phát triển một cách hiệu quả loại hình này.

Hà Nội có nhiều lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

TTXVN - Ngành Du lịch Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan định hướng triển khai mở rộng thêm nhiều mô hình điểm về du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương, phát triển loại hình du lịch này bài bản và chuyên nghiệp hơn nhằm tăng thời gian lưu trú và trải nghiệm đối với du khách.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, UBND thành phố đã sớm ban hành và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Hơn một năm qua, các sở, ngành, địa phương đã có chương trình, hoạt động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ đánh giá một cách tổng quát tiềm năng, cách thức phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội nhằm khai thác, phát triển một cách hiệu quả loại hình này.

Hà Nội hiện có hai sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đó là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm).

Thành phố công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái gồm: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây).

Tại các huyện, thị xã còn hình thành nhiều điểm du lịch nông thôn khác như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp: Trang trại Dê Trắng, Trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì) và nhiều làng nghề nổi tiếng có sức hút với du khách.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Hà Nội vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế khi nhiều địa phương chưa nhìn thấy tiềm năng từ loại hình du lịch này. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, chưa kết nối được sự tham gia của cộng đồng. Cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn chưa thỏa đáng...

Theo các địa phương, đơn vị, để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cần gắn kết với điều kiện tự nhiên và làng nghề của địa phương nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư. Việc kết nối giữa ngành Du lịch và Giáo dục - Đào tạo cần được đặc biệt quan tâm nhằm đẩy mạnh du lịch học đường trải nghiệm tại vùng nông thôn, tạo nguồn khách ổn định cho điểm du lịch nông nghiệp.../.

Đinh Thuận

Xem thêm