Văn hóa

Xây dựng mô hình di tích, danh lam thắng cảnh kiểu mẫu tại Hà Nội

Hà Nội

Thành phố Hà Nội đề xuất xây dựng ít nhất 40 mô hình trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025.

TTXVN - Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phối hợp ngành Văn hóa thành phố triển khai mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu” trên địa bàn. Việc triển khai mô hình này giúp các di tích, danh lam trở nên văn minh, xanh, sạch, đẹp hơn; đồng thời, hạn chế những bất cập trong văn hóa ứng xử của người dân, du khách khi đến tham quan.

Hà Nội có 5.922 di tích trải rộng khắp các quận, huyện, thị xã. Tại Kế hoạch về “Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn giai đoạn 2022-2025”, thành phố Hà Nội đề xuất Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố xây dựng mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu” với ít nhất 40 mô hình trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025. Đến cuối năm 2022, Hội đã xây dựng 5 mô hình điểm tại Sóc Sơn và Gia Lâm. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng, triển khai mô hình này trên địa bàn.

Lễ rước ngựa tại Lễ hội Gióng ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc, thuộc huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội. (Ảnh minh họa: Nhật Anh/TTXVN)

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, đến nay, 12 mô hình cấp thành phố, cấp huyện được triển khai tại nhiều địa phương. Cùng với huyện Đông Anh, Gia Lâm, một số địa phương đã tích cực triển khai gồm: Sóc Sơn (đền Sóc), Thanh Oai (đền Nội, Bình Đà), Đan Phượng (đền thờ Tô Hiến Thành, chùa Đôi Hồi)… Mô hình đã tạo ra nhiều công trình, phần việc thiết thực như: Lắp đặt hệ thống bảng biểu, quy tắc ứng xử; ra mắt công trình vườn hồng (300 cây hồng cổ); trồng hàng cây dọc đường vào khu di tích; trồng cây vun trồng tương lai với 400 cây hoa giấy; bổ sung ghế đá, thùng đựng rác tại các điểm danh lam, di tích…

Gia Lâm là một trong những huyện đi đầu trong việc xây dựng mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu”. Tại di tích đền, chùa Bà Tấm (xã Dương Xá), Ban Quản lý di tích cùng với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Dương Xá tổ chức đặt thùng rác phân loại với khẩu hiệu nhắc nhở mọi người phân loại, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; bố trí nhiều giỏ hoa tái chế từ các can nhựa đã qua sử dụng vừa để trang trí, vừa truyền tải thông điệp vì môi trường. Đặc biệt, Hội Phụ nữ xã phân công 5 cán bộ, hội viên là hướng dẫn viên tại di tích, hỗ trợ phục vụ các đoàn tham quan. Các hội viên khác thường xuyên lao động, dọn dẹp làm sạch khu di tích. Sau một thời gian ngắn triển khai, di tích trở nên sạch, đẹp hơn.

Trên địa bàn huyện Đông Anh, các di tích trên địa bàn xã Cổ Loa được chọn làm nơi đầu tiên triển khai mô hình. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Cổ Loa đã vận động, hướng dẫn và ký cam kết đến các hộ kinh doanh, gia đình đang sinh sống, bán hàng tại các khu di tích; trong đó có nội dung ứng xử văn minh, không chèo kéo khách. Hội đã tổ chức ra quân nhiều đợt vệ sinh môi trường, dọn cỏ, rác, phế thải xây dựng đoạn đường tự quản được phân công từ ngã ba Chợ Sa vào khu di tích với gần 300 lượt hội viên tham dự. Các tuyến đường vào di tích đều được trồng nhiều luống hoa, bồn hoa với các loại cây như: Lan chi, ngũ sắc, mười giờ...

Từ hiệu quả của mô hình “Danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu”, từ tháng 7/2023, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố sẽ nhân rộng mô hình đến 35 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đoàn thể tiếp tục triển khai mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn”. Điều này sẽ góp phần tạo nếp ứng xử văn minh, tạo cảnh quan sạch đẹp cho các di tích./.

Đinh Thuận

Xem thêm