Văn hóa

Giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Hội thảo khoa học "Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch" nhằm lan tỏa giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu Di tích Phủ Chủ tịch đối với thế hệ trẻ trong thời đại khoa học công nghệ 4.0.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Hà An)

TTXVN - Ngày 7/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học "Chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch".

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết: Khu di tích Phủ Chủ tịch là loại hình bảo tàng lưu niệm đời sống danh nhân, được hình thành ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (2/9/1969). Đây là một di sản văn hóa vô giá của dân tộc, bởi nơi đây gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứa đựng những giá trị tài liệu hiện vật phong phú, phản ánh chân thực, sâu sắc cuộc sống đời thường của Người trong 15 năm cuối cùng (1954- 1969).

Trải qua hơn 54 năm hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị (1969-2023), Khu di tích Phủ Chủ tịch được bảo tồn tương đối nguyên vẹn và trở thành "trường học khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Bác Hồ cho mọi thế hệ người Việt Nam".

Đặc biệt từ năm 2003, thực hiện Quyết định 35/2003/QĐ-BGDĐT đưa tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành môn học chính thức trong tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước, thì nơi đây đã trở thành "địa chỉ đỏ" của giáo viên, học sinh và sinh viên tới thăm quan, học tập và nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh.

Theo bà Lê Thị Phượng, ngày nay, việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục di sản tại bảo tàng, di tích thông qua việc áp dụng các công nghệ hiện đại là một đòi hỏi thực tiễn. Đây là một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra trong quản lý hệ thống bảo tàng, trong đó có Khu Di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Hội thảo lần này được tổ chức nhằm lan tỏa giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu Di tích Phủ Chủ tịch ngày càng sâu rộng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, trải nghiệm di sản đối với thế hệ trẻ trong thời đại khoa học công nghệ 4.0.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cho biết, với giá trị và ý nghĩa giáo dục sâu sắc, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã trở thành một "địa chỉ đỏ", "trường học thực tiễn" sinh động, có sức hấp dẫn và lan tỏa để tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Hằng năm, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đón hàng trăm đoàn khách trong nước đến tham quan và học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều đoàn là học sinh, sinh viên.

Theo thống kê trong 5 năm gần đây, riêng học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập tại Khu Di tích đã có 645.659 lượt người. Trong đó, có 577 đoàn với 101.461 được nghe giới thiệu về Khu Di tích. Bên cạnh đó, Khu Di tích cũng đã chủ động phối hợp với các nhà trường, học viện nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Khu Di tích trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho học sinh, sinh viên…

Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến tham luận của đại biểu, tập trung vào các vấn đề: Di sản Hồ Chí Minh và giáo dục thế hệ trẻ; Hoạt động giáo dục di sản tại các bảo tàng, di tích hiện nay; Ứng dụng công nghệ trong xây dựng các chương trình giáo dục di sản tại bảo tàng và Khu di tích…

Từ những ý kiến đóng góp và sáng kiến tại hội thảo này, Khu Di tích sẽ bước đầu xây dựng chương trình giáo dục di sản ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác giáo dục di sản Hồ Chí Minh./.


Phương Hà

Xem thêm