Xã hội

Đồng Tháp xây dựng mô hình chuyển đổi số hiệu quả

Đồng Tháp

Đồng Tháp đã và đang nỗ lực phát triển kinh tế số thông qua các giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp trải nghiệm công nghệ số; tập huấn kỹ năng chuyển đổi số.

Đồng Tháp đã và đang nỗ lực phát triển kinh tế số thông qua các giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp trải nghiệm công nghệ số; tập huấn kỹ năng chuyển đổi số; phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời xây dựng trang tin điện tử cho các hợp tác xã; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử…

Ở Đồng Tháp xuất hiện nhiều mô hình áp dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử. Điển hình là mô hình kinh doanh “Cây xoài nhà tôi” tại Hợp tác xã xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh; “Cây cam vườn tôi” tại xã Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh. Trong đó, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã phối hợp Công ty Infinity Blockchain Labs thực hiện mô hình ứng dụng blockchain (chuỗi khối) trong truy xuất nguồn gốc.  Các nhà vườn trồng xoài trong tỉnh được cấp 327 mã số vùng trồng xoài, qua đó kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm….

Ông Đoàn Hùng Vũ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp cho biết, kinh tế số giúp việc bán hàng và mua sắm hàng hóa trên môi trường điện tử đã trở thành thói quen của đa số người tiêu dùng. Đến tháng 2/2025, Đồng Tháp có hơn 438 sản phẩm của 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã được duy trì kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Shopee, Sendo, Postmart, Tik Tok. Các địa phương đang hỗ trợ chuyển niêm yết sản phẩm sang sàn giao dịch hoặc nền tảng thương mại điện tử khác. Tỉnh cũng đã triển khai mô hình thí điểm “Xã thương mại điện tử Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp”.

Để phát triển kinh tế số hiệu quả, Đồng Tháp có 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; 4.599 trạm BTS (1.144 trạm 2G, 1.325 trạm 3G, 2.090 trạm 4G, 40 trạm 5G); 1.831.160 thuê bao điện thoại; trên 1,76 triệu thuê bao internet băng rộng; 100% khóm, ấp đã phủ sóng thông tin di động 3G, 4G và có đường truyền internet cáp quang FTTx. Hạ tầng công nghệ thông tin cũng được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống mạng diện rộng WAN, mạng LAN, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được kết nối đến 100% cơ quan hành chính, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, qua đó góp phần giúp kinh tế số hoạt động hiệu quả.

Hiện các doanh nghiệp từng bước ứng dụng hệ thống thông minh trong quá trình hoạt động sản xuất. Tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, mỗi doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng để chuyển đổi số. Thời gian qua,  Viettel Đồng Tháp đã ký kết hợp tác đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cung cấp hệ sinh thái gồm các nền tảng chuyển đổi số cho doanh nghiệp; giải pháp truy xuất nguồn gốc, tài chính số, hợp đồng điện tử và chữ ký số.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ tích cực cho hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua sàn giao dịch công nghệ, thiết bị trực tuyến. Một số doanh nghiệp đã từng bước ứng dụng các hệ thống thông minh trong quá trình hoạt động sản xuất như hệ xử lý kho thông minh, hoạch định tài nguyên doanh nghiệp, lập kế hoạch và quản lý sản xuất. Phần lớn khách hàng ngành điện, nước cài đặt và sử dụng ứng dụng chăm sóc khách hàng qua ứng dụng Zalo; 46,81% số công tơ điện được đo, đếm thông qua hệ thống ghi điện từ xa, qua đó, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2021 – 2025, Đồng Tháp phấn đấu hỗ trợ cho 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, cập nhật thông tin nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Có 55% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử; tối thiểu 200 doanh nghiệp được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số./.

Nguyễn Văn Trí

Xem thêm