Thông tin dự báo biển giúp chính quyền và ngư dân chủ động theo dõi, ứng phó và đảm bảo an toàn trong hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đảm bảo phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
TTXVN - Khu vực biển và ven biển với tài nguyên thiên nhiên trù phú hiện đang mang lại sinh kế cho nhiều người dân trong cả nước. Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, nơi đây thường xuyên hứng chịu những khắc nghiệt của thiên tai cực đoan như: Bão, nước biển dâng, triều cường, sóng lớn, xâm nhập mặn… với diễn biến ngày càng phức tạp và dị thường, đồng thời rủi ro do các loại hình thiên tai kể trên được cảnh báo sẽ có nguy cơ gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa, yêu cầu về phát triển kinh tế và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Công tác dự báo biển có vai trò rất quan trọng, làm tốt công tác này sẽ góp phần chủ động phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trên biển, đảm bảo sinh kế của người dân vùng ven biển một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế biển.
Để làm rõ vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn – Bộ Tài nguyên và Môi trường). Sau đây là nội dung phỏng vấn:
* Phóng viên: Xin ông cho biết thực trạng công tác dự báo biển hiện nay tại Việt Nam và đâu là thách thức lớn nhất trong công tác dự báo biển?
* Ông Nguyễn Bá Thủy: Việt Nam có đường bờ biển dài với vùng biển chủ quyền rộng lớn nên nhu cầu về đa dạng thông tin dự báo biển phục vụ phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, an toàn hàng hải, khẳng định chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển là rất lớn. Trước năm 2017, dự báo biển chỉ thực hiện cho ba yếu tố chính là thủy triều, sóng biển và nước dâng do bão, tuy nhiên trong 5 năm trở lại đây, công tác dự báo, cảnh báo biển đã có những bước tiến mới.
Đến thời điểm hiện tại, được sự đầu tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Khí tượng thủy văn thông qua các Dự án hợp tác quốc tế và Đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, dự báo biển đã thực hiện nghiệp vụ cho tất cả các yếu tố hải văn theo quy định, cụ thể gồm: Thủy triều, sóng biển, dòng chảy biển, nước dâng do bão và do gió mùa. Ngoài ra, khi có sự cố, tai nạn trên biển cũng yêu cầu cung cấp thông tin chuyên đề, các thông tin dự báo về lan truyền quỹ đạo vật thể trôi, chất ô nhiễm và truy vết vật thể lạ (tàu, thuyền, người, vật thể, chất ô nhiễm trên biển) đã được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp cho một số đơn vị theo yêu cầu như: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Hải quân, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm Cứu nạn hàng hải Việt Nam, Cục Cứu hộ Cứu nạn để phục vụ tác nghiệp.
Cùng với đó, thời hạn dự báo biển cũng đã được tăng lên như: Sóng biển, dòng chảy biển dự báo đến 10 ngày, nước dâng do bão và gió mùa dự báo trước 3 ngày, thủy triều và cảnh báo triều cường được thực hiện chi tiết trên các trạm khí tượng hải văn ven biển, hải đảo và các vị trí trọng điểm (cửa sông, cảng, khu kinh tế trọng điểm ven biển).
Những thông tin dự báo sớm đã được gửi tới Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành, địa phương để có sự phối hợp, chỉ đạo kịp thời, đồng thời những thông tin này cũng rất hữu ích giúp chính quyền và ngư dân các địa phương ven biển trong việc chủ động theo dõi, ứng phó và đảm bảo an toàn trong hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đảm bảo phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Mặc dù vậy, công tác dự báo biển hiện nay hiện nay mới chỉ cơ bản đáp ứng được trong phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giao thông trên biển, phát triển kinh tế biển, song dự báo phục vụ phát triển kinh tế biển còn nhiều khó khăn, nhất là dự báo phục vụ cho nhiều ngành, nghề khai thác biển như đánh bắt hải sản, dầu khí, năng lượng tái tạo biển... Đây là những nhiệm vụ mà ngành Khí tượng thủy văn sẽ tập trung triển khai trong những năm tới.
* Phóng viên: Nguyên nhân của những khó khăn trong công tác dự báo biển ở Việt Nam là gì, thưa ông?
* Ông Nguyễn Bá Thủy: Hiện nay, thông tin dự báo biển còn hạn chế về thời hạn dự báo, độ tin cậy của thông tin dự báo và truyền tải thông tin tới nhiều đối tượng khác nhau.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do hệ thống quan trắc trên biển thưa, thiết bị quan trắc chưa hiện đại nên gây khó khăn cho công tác dự báo và đánh giá kết quả dự báo.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng hải văn nguy hiểm hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân, cơ chế để xây dựng quy trình công nghệ dự báo, cảnh báo như hiện tượng nước biển dâng cao bất thường tại Tây Nam Bộ xuất hiện trong một số ít ngày của năm, triều cường kèm sóng lớn cao bất thường tại một số khu vực ven biển Trung Bộ vào một số ngày của các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, nhiều bài toán dự báo biển đòi hỏi năng lực tính toán lớn nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu về dự báo chi tiết cho các khu vực trọng điểm (tuyến luồng, khu du lịch, cảng biển….), dự báo ngập lụt chi tiết vùng ven biển.
Ngoài ra, năng lực của dự báo viên còn hạn chế do chưa có cơ chế thu hút những sinh viên giỏi theo học và làm việc trong ngành Khí tượng thủy văn.
* Phóng viên: Giải pháp hữu hiệu hướng tới thực hiện tốt công tác dự báo biển phục vụ phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế biển là gì, thưa ông?
* Ông Nguyễn Bá Thủy: Từ thực tế trên cho thấy, việc nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nói chung và hải văn nói riêng là hết sức cần thiết, cấp bách.
Để nâng cao năng lực công tác dự báo biển phục vụ phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế biển, cần phải có lộ trình cụ thể và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần chú trọng đầu tư, tăng cường hệ thống quan trắc trên biển, cả về mật độ trạm và thiết bị quan trắc, công nghệ truyền tin.
Cùng với đó, ngành Khí tượng thủy văn cần đầu tư triển khai nghiên cứu, phát triển công nghệ dự báo và phục vụ dự báo hiện đại, nhất là những nghiên cứu về xác định nguyên nhân, cơ chế những hiện tượng hải văn nguy hiểm, bất thường, công nghệ dự báo chi tiết tận dụng các nguồn dữ liệu quan trắc, dự báo thời hạn dài hơn.
Ngành Khí tượng thủy văn cần nâng cao năng lực tính toán để đáp ứng cho những bài toán dự báo chi tiết biển và tăng cường năng lực của dự báo viên, có chính sách thu hút những sinh viên giỏi theo học và làm việc trong ngành Khí tượng thủy văn.
Để thực hiện tốt hơn công tác dự báo biển, ngành Khí tượng thủy văn cần tiếp tục tăng cường và tận dụng những mối quan hệ hợp tác quốc tế để nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ về công nghệ dự báo, thiết bị quan trắc, truyền tin và kinh nghiệm dự báo từ các nước trong khu vực và trên thế giới.
* Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!