Du lịch

Du lịch Hà Nội bứt tốc, khẳng định vị thế

Hà Nội

Năm 2025, Thủ đô đặt mục tiêu đón 31 triệu lượt du khách, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 130 ngàn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này Hà Nội đã nghiên cứu và cho ra mắt nhiều sản phẩm mới hấp dẫn.


Là trung tâm phát triển du lịch của cả nước, nửa đầu năm 2025, du lịch Hà Nội đã thực sự khởi sắc cả về lượng khách, chất lượng sản phẩm. Hà Nội đã góp phần không nhỏ cùng cả nước khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Duy trì vị thế uy tín, hấp dẫn

Những tháng qua, du lịch Thủ đô đón được lượng khách vượt chỉ tiêu đề ra, ghi tên trong nhiều giải thưởng du lịch uy tín và trở thành điểm đến của nhiều khách quốc tế.


Cụ thể, 6 tháng của năm 2025, lượng du khách đến Hà Nội ước đạt 15,56 triệu lượt, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2024. Khách quốc tế ước tăng 22% (trong đó có 2,58 triệu lượt khách lưu trú); khách nội địa ước tăng 9%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 62,366 nghìn tỷ đồng. Công suất sử dụng phòng lưu trú ước đạt 63,2%.


Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản, du lịch Thủ đô vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định. Thị trường khách quốc tế tăng trưởng đều, chủ yếu là các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp và Hoa Kỳ. Du khách quốc tế đánh giá cao các sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa, ẩm thực, tour trải nghiệm làng nghề truyền thống và hoạt động về đêm.

Những quán cà phê trong phố cổ được du khách quốc tế ưa chuộng. 
Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát

Để đạt được kết quả trên, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, thúc đẩy thu hút nguồn lực phát triển, hình thành nhóm sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, hấp dẫn, có lợi thế, tiềm năng để phát triển đột phá. Thủ đô đã khai thác những thế mạnh vốn có về văn hóa, lịch sử, tài nguyên, đất đai, giữ gìn và phát huy bản sắc, du lịch hiện đại vẫn song hành cùng bảo tồn kiến trúc, lễ hội đến ứng xử văn hóa.


Đáng chú ý, vào tháng 5/2025, Tạp chí Time Out xếp Hà Nội ở vị trí thứ 11 trong danh sách 15 thành phố được du khách ưa chuộng nhất thế giới. Việc này đã góp phần khẳng định sự cuốn hút của du lịch Hà Nội với du khách quốc tế; vị trí, hình ảnh, thương hiệu là một điểm đến du lịch hấp dẫn, đặc sắc hàng đầu khu vực và thế giới. 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, một biểu tượng văn hóa ngàn đời, luôn là điểm đến hấp dẫn du khách. 
Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát

Những điểm đến như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội luôn nơi thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Ẩm thực Hà Nội đã trở thành điểm nhấn đặc sắc, góp phần tạo nên sức hấp dẫn riêng của Thủ đô.

Xe buýt 2 tầng mang đến trải nghiệm ngắm nhìn toàn cảnh Thủ đô từ trên cao. 
Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát

Trước đó, Hà Nội đã vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng lớn, nổi bật như giải “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2024” do Tổ chức World Travel Awards trao tặng; nằm trong nhóm “100 điểm đến thành phố hấp dẫn nhất thế giới năm 2024” do trang nghiên cứu Euromonitor International bình chọn.Trong khuôn khổ giải thưởng Traverler’s Choice Awards Best of the Best Destinations của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor công bố tháng 1/2025,  Hà Nội được vinh danh tại hạng mục Top 25 điểm đến được yêu thích nhất mọi thời đại ở vị trí thứ 14. Hà Nội cũng được vinh danh tại hạng mục Top 25 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới ở vị trí thứ 2.

Lễ khai trương đường bay thẳng giữa Addis Ababa (thủ đô của Ethiopia) và Hà Nội
Ảnh: Hoàng Nam - TTXVN

Mới đây đã diễn ra lễ khai trương đường bay thẳng giữa Addis Ababa (thủ đô của Ethiopia) và Hà Nội do Hãng hàng không Ethiopian Airlines khai thác, đúng vào thời điểm nhu cầu đi lại gia tăng, đặc biệt là từ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại các quốc gia châu Phi như Angola, Nam Phi và Mozambique. Việc này cũng giúp kết nối trực tiếp giữa thủ đô Addis Ababa – trung tâm trung chuyển của Ethiopian Airlines – với Hà Nội, phục vụ nhu cầu đi lại cho cả khách du lịch và khách công vụ.

Vẻ đẹp quyến rũ của mùa Thu ở Hà Nội
Ảnh: Phạm Tuấn Ảnh - TTXVN

Ông Cao Xuân Phú - Giám đốc Điều hành Deks Air Việt Nam kiêm Giám đốc Tổng đại lý bán vé và dịch vụ của Ethiopian Airlines tại Việt Nam cho biết: “Đường bay này cũng là cầu nối trực tiếp giữa Hà Nội – thủ đô năng động, giàu bản sắc của Việt Nam với các thành phố sôi động của châu Phi cũng như những điểm đến toàn cầu khác nhằm mở rộng mạng lưới kết nối toàn cầu, thúc đẩy giao thương, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế. Đây sẽ là lựa chọn lý tưởng cho du khách muốn trải nghiệm điểm đến nổi tiếng ở châu Phi cũng như cho du khách quốc tế muốn khám phá nét văn hóa đặc sắc của Hà Nội; mang đến cho hành khách các chuyến bay một điểm dừng tiện lợi và nhanh chóng”.

Vẻ đẹp mùa thay lá tại bốt Hàng Đậu.
Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Ông Mesfin Tasew, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ethiopian Airlines chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng được mở rộng sự hiện diện tại Đông Nam Á và tăng cường kết nối hàng không. Tuyến bay mới này sẽ mở ra cơ hội cho các mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn giữa Việt Nam và mạng lưới toàn cầu của tập đoàn, tiếp tục mở rộng hiện diện tại thị trường năng động này”.

Máy bay của hãng Ethiopian Airlines đến sân bay Nội Bài
Ảnh: Hoàng Nam - TTXVN

Trước đó, vào đầu năm 2025, có 3 hãng bay quốc tế mở đường bay đến Hà Nội, gồm: AirAsia Cambodia; hãng 9Air và TianJin Air đều của Trung Quốc.

Hà Nội quyến rũ du khách trong và ngoài nước với vẻ đẹp yên bình, cổ kính

Tạo sản phẩm nâng cao vị thế điểm đến Thủ đô

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, năm 2025, Thủ đô đặt mục tiêu đón 31 triệu lượt du khách, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt khoảng 130 ngàn tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này Hà Nội đã nghiên cứu và cho ra mắt nhiều sản phẩm mới hấp dẫn.


Nổi bật là nhóm 20 sản phẩm du lịch đêm, có thể kể đến chương trình “Tiếng chuông Trấn Vũ” tại Đền Quán Thánh, tái hiện không gian văn hóa Hà Nội về đêm bằng âm thanh, ánh sáng, nghệ thuật truyền thống. Tiếp đó là hai tuyến du lịch đặc sắc: “Con đường di sản Nam Thăng Long” và “Con đường đạo học” với hành trình qua các di tích, làng cổ, đình chùa gắn liền với lịch sử giáo dục, văn hóa Thăng Long - Hà Nội.


“Tuyến phố bao cấp Trúc Bạch”, “Toa tàu điện số 6 - Leng keng di sản” hay tour khám phá làng thuốc Nam người Dao tại bản Miền (Ba Vì) là những không gian sáng tạo mới sẽ được triển khai để tạo ra điểm check-in độc đáo nhất.

Du khách quốc tế lưu giữ hình ảnh đường tàu trên cầu Long Biên, cây cầu hơn trăm tuổi của Thủ đô với làn dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa. 
Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát

Hà Nội cũng tận dụng tối đa lợi thế hạ tầng để tạo lập hành lang du lịch liên kết. Các tuyến du lịch đường sông (sông Hồng, sông Đuống) kết nối với Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng; các chuyến tàu đêm chất lượng cao như “S Journey”, “Hoa phượng đỏ” (Hà Nội - Hải Phòng) và tàu “Năm Cửa Ô”. Đây sẽ là sản phẩm đột phá kết nối vùng và tái hiện không gian xưa giữa lòng thành phố hiện đại.

Đền Ngọc Sơn không chỉ là biểu tượng văn hóa tâm linh linh thiêng mà còn là điểm đến du lịch không thể bỏ qua của Thủ đô. 
Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát

Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với chính quyền cấp xã xây dựng Kế hoạch tổ chức khai trương, ra mắt các sản phẩm du lịch mới với chủ đề: “Du lịch Hà Nội – Tinh hoa hội tụ 2025”; xây dựng các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch golf; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số…


Ông Nguyễn Hoàng Việt, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch và Sự kiện Camellia Việt Nam chia sẻ, có thể nói, Hà Nội đang bước vào thời điểm vàng để bứt tốc, cả về lượng khách và chất lượng trải nghiệm. Những sản phẩm du lịch mới là điểm nhấn hấp dẫn du khách, chìa khóa để nâng vị thế điểm đến Thủ đô trong chuỗi giá trị du lịch quốc gia và khu vực. Tất cả các sản phẩm mới sẽ tạo nên một diện mạo mới để du lịch Thủ đô hiện đại, hấp dẫn hơn nhưng vẫn giữ vững hồn cốt văn hóa Hà Nội.

Trong ảnh: Hàng vạn người đổ về khu phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhân dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9. 
Ảnh: TTXVN

Đầu tháng 5/2025, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 1779/UBND-KT nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là bước đi quan trọng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế hai con số của Thủ đô. Sở Quy hoạch - Kiến trúc được giao đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các khu vực trọng điểm như: Khu du lịch Ba Vì, hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu du lịch Hương Sơn (chùa Hương).

Khoảnh khắc lãng mạn của một cặp đôi giữa trời Thu Hà Nội.
Ảnh: Khánh Hòa - TTXVN

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ du lịch You&Me nhận định: Điều này cho thấy, Hà Nội đang chọn để tạo ra các “trục tăng trưởng”, làm điểm tựa để lan tỏa du lịch ra các vùng lân cận, phù hợp với định hướng phát triển bền vững, gắn du lịch với bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân…

Một góc trời Thu Hà Nội.
Ảnh: Phạm Tuấn Anh - TTXVN

Đặc biệt, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô 2024 với những ưu đãi về văn hóa, thể thao, du lịch đã góp phần tạo hành lang thuận lợi để du lịch Hà Nội có bước đột phá, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hà Nội cũng mong muốn cụ thể hóa các điều khoản liên quan để du lịch, văn hóa phát triển bền vững, chuyên nghiệp và hiện đại./

Nội dung: Thanh Giang

Thiết kế: Hoàng Nam

Video: Phòng Media, Ban biên tập tin Trong nước - TTXVN

Ảnh, đồ họa: TTXVN

Xem thêm