Xây dựng Đảng

Gắn kết cộng đồng từ những mô hình hiệu quả - Bài 2: Tạo thêm giá trị mới

Đồng Tháp

Nhiều đảng viên đồng thời là Chủ nhiệm hoặc thành viên hội quán phát huy tốt vai trò hạt nhân, thực sự là tấm gương tiên phong trong phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu bản sắc.

Ông Võ Văn Hải, Bí thư Chi bộ kiêm Chủ nhiệm Hiệp Tâm hội quán là tấm gương đi đầu trong sản xuất giỏi và gắn kết cộng đồng ở xã An Hiệp (Châu Thành, Đồng Tháp).
 Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

TTXVN - Nhằm phát huy hiệu quả mô hình hội quán, tập hợp nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết, cộng đồng chung sức phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, một số Chi bộ Đảng được thành lập trong các hội quán ở tỉnh Đồng Tháp. Nhiều đảng viên đồng thời là Chủ nhiệm hoặc thành viên hội quán phát huy tốt vai trò hạt nhân, thực sự là tấm gương tiên phong trong phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng tầm đặc sản địa phương, xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu bản sắc.

*Những thành viên tích cực

Tại huyện Châu Thành, Hiệp Tâm hội quán ở xã An Hiệp là hội quán đầu tiên của huyện có Chi bộ Đảng. Hiện, Chi bộ Hiệp Tâm hội quán có 7 đảng viên. Bí thư Chi bộ đồng thời là Chủ nhiệm hội quán luôn phát huy vai trò tiên phong, cùng Ban Chủ nhiệm đi đầu trong các hoạt động kết nối, hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản, gắn kết tình làng nghĩa xóm, xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương.

Ông Võ Văn Hải, Bí thư Chi bộ, Chủ nhiệm Hiệp Tâm hội quán cho biết, từ thực tế xã có 80% số dân sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở câu lạc bộ khuyến nông, năm 2019, Hiệp Tâm hội quán với sự tham gia tự nguyện của 51 thành viên được thành lập. Hoạt động với phương châm “chăm chỉ, tự lực, hợp tác”, hội quán gồm nhiều tổ như: tổ xử lý hoa chanh, tổ trồng sầu riêng, trồng bưởi, xoài, tạo thuận lợi để các thành viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nắm bắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống.

Các đảng viên trong Chi bộ Hiệp Tâm hội quán đều là những thành viên tích cực nhất, xác định đến với hội quán là tự nguyện, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Dù ở đâu, đảng viên luôn gương mẫu, nói đi đôi với làm, tiên phong trong thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Võ Văn Hải, Bí thư Chi bộ kiêm Chủ nhiệm Hiệp Tâm hội quán giới thiệu chia sẻ về kinh nghiệp phát triển mô hình vườn nhãn 1,2ha của gia đình. 
Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Gia đình Bí thư Chi bộ, Chủ nhiệm hội quán Võ Văn Hải hiện có 1,2 ha trồng nhãn, chanh, thanh long, mận, sầu riêng đang áp dụng mô hình tưới tiết kiệm, gắn vòi tưới linh hoạt, xoay đều các hướng giúp giảm chi phí, lượng nước. Ông Hải thường xuyên đón các thành viên hội quán đến vườn học hỏi kinh nghiệm bố trí hệ thống tưới nước, cách trồng xen cây chanh bông tím trong vườn, xử lý cho chanh ra hoa, đậu quả trái vụ, vừa tiết kiệm diện tích đất, vừa tăng thu nhập. Từ diện tích vườn trồng cây ăn trái, mỗi năm, gia đình ông Hải thu bình quân khoảng 400 triệu đồng.

Còn Phó Bí thư Chi bộ Võ Ngọc Trí đang trồng trên 100 cây sầu riêng Ri6 theo hướng hữu cơ. Kiên trì đi theo hướng sản phẩm sạch, hữu cơ, ông Trí luôn nhiệt tình chia sẻ, hướng dẫn các thành viên hội quán kỹ thuật bón phân cho cây trồng hợp lý, đồng thời trồng xen cây ổi để tăng nguồn thu, giá trị của diện tích canh tác.

Không chỉ đi đầu trong phát triển sản xuất, các đảng viên Chi bộ Hiệp Tâm hội quán còn là những hạt nhân đoàn kết, thành viên tổ hòa giải cơ sở, hòa giải nhiều vụ việc mâu thuẫn, giữ tình làng nghĩa xóm, bình yên xóm ấp.

Chia sẻ về việc hòa giải vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ranh giới đất giữa hai gia đình ở ấp Tân Thạnh mới xảy ra gần đây, đảng viên Lê Thanh Hải, thành viên hội quán cho biết, các thành viên tổ hòa giải, trong đó, có các đảng viên trong chi bộ hội quán kiên trì, nhiều lần đến từng nhà, đứng ra làm cầu nối, thuyết phục, tạo cơ hội để hai bên bày tỏ tâm tư, khơi dậy tình làng nghĩa xóm. Nhờ vậy, hiện nay, cả hai gia đình dần hiểu ra, mâu thuẫn được tháo gỡ một cách hợp lý, hợp tình.

Ông Bùi Văn Bính, Bí thư Đảng ủy xã An Hiệp đánh giá, loại hình Chi bộ Đảng theo hội quán còn khá mới mẻ ở huyện Châu Thành nói chung, xã An Hiệp nói riêng. Song có thể khẳng định, các đảng viên là thành viên hội quán đang phát huy rất tốt vai trò, trách nhiệm, có nhiều kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp và luôn sẵn sàng học hỏi, đổi mới kỹ thuật canh tác, tìm hiểu thị trường nông sản, giúp thành viên thu lợi nhuận cao hơn qua từng mùa vụ so với trước khi hội quán được thành lập.

Tại ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, mặc dù chưa có Chi bộ trong hội quán nhưng các thành viên hội quán là đảng viên đều là những nhân tố tích cực, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu.

Ông Đặng Phụng Đức, đảng viên, Phó Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán, xã Tân Thuận Tây vẫn nhớ những ngày bắt đầu triển khai làm chế phẩm sinh học từ thảo mộc để chăm bón cho cây xoài. Một số thành viên hội quán còn ngần ngại. Quyết tâm chuyển đổi sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, cho trái xoài chất lượng cao hơn lại đảm bảo sức khỏe nông dân và giảm ô nhiễm môi trường, ông cùng Ban Chủ nhiệm hội quán sẵn sàng tiên phong kết hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cao Lãnh, Hội Nông dân cùng chính quyền xã tham gia xây dựng đề tài “Nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất và sử dụng chế phẩm thảo mộc (gừng, tỏi, ớt) phòng trị sâu bệnh hại trên cây trồng”.

Ông Đức cùng Chủ nhiệm Hội quán là ông Đặng Văn Những và một số thành viên hội quán tích cực tham gia mô hình canh tác thông minh, ngay trên mảnh vườn canh tác xoài của gia đình, góp phần xây dựng làng thông minh, nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Thành Công, hiện nay, ở Đồng Tháp có hai hội quán có Chi bộ đảng. Trên 1.350 thành viên của các hội quán là đảng viên. Các đảng viên đồng thời là thành viên hội quán gương mẫu, tiên phong, phát huy vai trò, trách nhiệm, đóng góp nhiều trong hoạt động của hội quán cùng chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương.

*Tạo sức lan tỏa mới

Các đảng viên của Chi bộ Đảng Hiệp Tâm hội quán, xã An Hiệp (Châu Thành, Đồng Tháp) bàn thảo kế hoạch hoạt động. 
Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Từ hiệu quả hoạt động của mô hình hội quán ở tỉnh Đồng Tháp, trong đó, có những đóng góp tích cực của các Ban Chủ nhiệm, đảng viên tham gia sinh hoạt đã tạo những trung tâm kết nối cộng đồng ở địa bàn nông thôn, thuận lợi để nông dân chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp nhiều giá trị hơn cho nông sản, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Song để có bước phát triển, lan tỏa mới, tạo những giá trị mới, nhiều thách thức đang đặt ra đòi hỏi các hội quán có sự chuyển mình, đổi mới trong hoạt động. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp không làm thay nhưng đồng hành, hỗ trợ nhằm phát huy tinh thần tự nguyện, tự chủ, tự quản của thành viên hội quán trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới văn minh, giàu bản sắc.

Là đảng viên đồng thời Chủ nhiệm Minh Long hội quán (xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh) ông Huỳnh Xuân Tòng bày tỏ trăn trở, bên cạnh thuận lợi, kết quả đạt được, hội quán còn gặp khó khăn như có thời điểm giá nhiều loại trái cây đặc sản xuống thấp. Giá thu mua các nông sản canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, công nghệ cao còn thấp, chưa tương xứng chi phí và công sức nông dân đã đầu tư. Do đó, chưa tạo sự an tâm để một số thành viên kiên trì thay đổi hướng canh tác mới, thân thiện môi trường.

Thời gian tới, Ban Chủ nhiệm Minh Long hội quán tiếp tục kết nối nhiều hơn với các chuyên gia, nhà khoa học hướng dẫn kỹ thuật; kết nối doanh nghiệp, cơ sở thu mua tạo “đầu ra” ổn định cho sản phẩm hữu cơ. Các đảng viên đang sinh hoạt trong hội quán tiếp tục gương mẫu thực hiện, sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh thái, gắn với kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp khẳng định, cấp ủy, chính quyền không làm thay hay chỉ đạo hoạt động của các hội quán - thiết chế cộng đồng tự nguyện, tự quản nhưng sẽ tiếp tục là cầu nối, hỗ trợ, tạo thuận lợi để hội quán hoạt động hiệu quả, tạo ra những giá trị mới, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Thành Công gợi mở, để tạo sự lan tỏa, phát triển toàn diện, bền vững trong tương lai, các hội quán cần kết nối với không gian đô thị. Đồng thời, tiếp cận nhiều hơn các mô hình nông nghiệp thông minh, sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, đa giá trị.

Các hội quán cần chú trọng kết hợp phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường, hỗ trợ thành viên hội quán phấn đấu trở thành nông dân chuyên nghiệp cùng xây dựng làng quê thực sự trở thành nơi đáng sống./.

(Hết)

Trà Trí Hưng - An NhungTrần Thị Thanh Trà

Tin liên quan

Xem thêm