Các mô hình hội quán, không gian đại đoàn kết ở đất Sen hồng Đồng Tháp đang góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng trong nhân dân.
TTXVN - Nhằm đa dạng các mô hình tập hợp quần chúng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tỉnh Đồng Tháp - địa phương tiêu biểu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có một số mô hình sáng tạo, hiệu quả. Đó là mô hình hội quán ở địa bàn nông thôn và Không gian đại đoàn kết nơi đô thị. Các mô hình này góp phần phát huy dân chủ ở cơ sở, nêu cao tinh thần tự nguyện, đồng lòng của người dân trong xây dựng, phát triển quê hương. Đồng thời, qua đó, đưa hình ảnh của Đảng, các cấp chính quyền đến gần dân hơn. Công tác phối hợp tuyên truyền chính sách, nhất là các chương trình trọng tâm liên quan phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương thiết thực, hiệu quả hơn. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam phản ánh nội dung này qua hai bài viết chủ đề “Gắn kết cộng đồng từ những mô hình hiệu quả”.
Bài 1: Điểm sáng hội quán, không gian đại đoàn kết
Tập hợp những nông dân cùng ngành hàng sản xuất, tìm hướng phát triển mới hoặc tạo không gian mở, “nghe dân nói - nói dân hiểu”, các mô hình hội quán, không gian đại đoàn kết ở đất Sen hồng Đồng Tháp đang góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng trong nhân dân.
* Cùng nghĩ, cùng làm, cùng thụ hưởng
Chăm sóc sầu riêng mùa nắng nóng, kinh nghiệm giữ ẩm cho cây, dùng chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh phù hợp giống sầu riêng Ri6, sầu riêng Monthong là một trong những nội dung được các thành viên của Minh Long hội quán (xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh) thảo luận sôi nổi, chia sẻ kinh nghiệm trong buổi sinh hoạt định kỳ hội quán vào cuối tháng 4.
Không giữ kinh nghiệm cho riêng mình, ông Trần Văn Trường, thành viên hội quán, chủ nhân vườn sầu riêng Ri6 rộng hơn 8.000 m2 cho biết, nhiều năm nay, nhờ phủ bã mía, lá cây khô quanh gốc cây, tưới chế phẩm sinh học tự ủ từ cá linh, trái cây, bia, vườn sầu riêng của gia đình vượt qua mùa nắng hạn an toàn, cho trái đảm bảo chất lượng.
Tạm dứt câu chuyện chăm sóc cây trái mùa nắng nóng, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm hội quán, Bí thư Đảng ủy xã cùng tham dự, các thành viên tiếp tục đóng góp ý kiến chung tay giữ vững tiêu chí nông thôn mới nâng cao, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời tiếp tục cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao, tận dụng khoảng đất trống nhỏ xung quanh nhà trồng hoa, cây kiểng, rau xanh, cây dược liệu, vừa tránh lãng phí đất vừa tạo cảnh quan xóm ấp đẹp hơn là những việc làm các thành viên hội quán thống nhất ưu tiên thực hiện.
Chủ nhiệm Minh Long hội quán Huỳnh Xuân Tòng nói vui: “Thời tiết nắng nóng, nhưng không khí sinh hoạt trong hội quán còn sôi nổi, nóng hơn cả thời tiết”. Thành lập từ tháng 11/2017, xuất phát từ đặc điểm của xã chủ yếu trồng cây ăn trái, trồng lúa, nuôi thủy sản, Minh Long hội quán là điểm đến tự nguyện của gần 80 thành viên, được chia theo từng lĩnh vực sản xuất cụ thể để thuận lợi trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ kết nối chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật, doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Ban Chủ nhiệm hội quán chủ động phối hợp với Hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở thu mua, tổ chức ký kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên hội quán. Bình quân mỗi năm, Hội quán tổ chức liên kết tiêu thụ cho thành viên hội quán khoảng 2.500 tấn trái cây các loại. Tham gia hội quán, các thành viên còn được hướng dẫn, nâng cao ý thức sản xuất đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận nhiều thị trường mới.
Theo Chủ nhiệm Minh Long hội quán, hoạt động hiệu quả, Hội quán tạo "nền” để thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Tây, trong đó, các thành viên Hội quán đều là thành viên Hợp tác xã, góp phần phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tại xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh), các thành viên Tâm Quê hội quán vinh dự được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm năm 2018. Hội quán thường xuyên kết nối với các chuyên gia, hỗ trợ, tạo thuận lợi để trên 60 thành viên là những nông dân trồng xoài phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông sản an toàn kết hợp xây dựng làng thông minh, phát triển du lịch trải nghiệm.
Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán cho biết, trong các buổi sinh hoạt, hội quán mời nhà khoa học, chuyên gia đến hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, cách làm chế phẩm sinh học từ thảo mộc giúp phòng trừ côn trùng gây hại trên cây xoài, cho nông sản an toàn lại giảm chi phí sản xuất. Thành viên hội quán đoàn kết, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm hoặc không rõ nguồn gốc, tạo tiền đề cho sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Hoạt động hiệu quả, Tâm Quê hội quán và Thuận Tân hội quán (cùng ở xã Tân Thuận Tây) được chọn làm điểm triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân Đồng Tháp” do Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) chủ trì. Các thành viên hội quán được hướng dẫn cách ghi sổ tay canh tác điện tử, đọc thông số quan trắc môi trường qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, điều khiển hệ thống tưới nước tự động cho cây xoài, góp phần xây dựng Làng thông minh, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương.
Các thành viên hội quán quán còn kết hợp với doanh nghiệp du lịch, đưa du khách tham quan vườn xoài, làm bánh dân gian, dỡ chà bắt cá... vừa giới thiệu nét văn hóa vừa nâng cao thu nhập cho thành viên.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp Võ Chí Hữu, mô hình hội quán là thiết chế tự nguyện của cộng đồng dân cư, hoạt động theo nguyên tắc “ba không” (không tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị ở cơ sở, không kinh phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất), nhưng lại có “ba tự” (tự nguyện, tự quản, tự quyết định công việc) và “ba cùng” (cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng).
Đến nay, Đồng Tháp có 147 hội quán hoạt động hiệu quả, đa dạng các lĩnh vực từ sản xuất nông nghiệp đến phát triển du lịch, nghề thủ công truyền thống... góp phần gắn kết cộng đồng là “chất xúc tác” thêm sức mạnh phát triển kinh tế ở địa phương.
*Nghe dân nói - nói dân hiểu
Cùng có điểm chung là tăng cường sự liên kết giữa người dân với chính quyền, tương tự mô hình hội quán phù hợp địa bàn nông thôn, mô hình Không gian đại đoàn kết phát huy hiệu quả đối với các địa bàn đô thị tại Đồng Tháp. Mô hình này góp phần giúp người dân và chính quyền thuận lợi trong trao đổi, giao tiếp, triển khai các vấn đề ở đô thị.
Đến nay, 21 Không gian đại đoàn kết được xây dựng ở hai thành phố Cao Lãnh và Sa Đéc trở thành những không gian mở, nơi sinh hoạt của người dân đô thị, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận ở cơ sở.
Ông Võ Chí Hữu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho hay, không gian đại đoàn kết được tổ chức ở địa bàn các phường thuộc thành phố, chủ yếu là cư dân đô thị. Không gian đại đoàn kết, phù hợp đặc thù của các phường đô thị, giúp Đảng ủy, UBND phường “nghe dân nói, nói dân hiểu”.
Ngược lại, người dân, doanh nghiệp thật sự đồng hành cùng với lãnh đạo phường trong thực hiện các công việc. Mối quan hệ, gắn bó giữa Đảng, chính quyền với người dân gần gũi, mật thiết hơn. Các công việc của địa phương được nắm bắt, xử lý kịp thời.
Không gian đại đoàn kết Phường 1, thành phố Cao Lãnh được bố trí rộng rãi, thoáng mát ngay trong khuôn viên UBND phường. Buổi sáng cuối tuần, bên ly cà phê, cuộc trò chuyện, trao đổi giữa người dân và đại diện lãnh đạo phường, các đoàn thể diễn ra thân mật, cởi mở, chân tình.
Có mặt tại Không gian đại đoàn kết Phường 1 (thành phố Cao Lãnh) vào một ngày cuối tháng 4, chúng tôi được chứng kiến cuộc trò chuyện giữa người dân và đại diện cấp ủy, chính quyền phường. Chủ tịch UBND Phường 1 Nguyễn Văn Tuấn lắng nghe từng góp ý tâm huyết của các cựu chiến binh về tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự ở phường trung tâm thành phố.
Cựu chiến binh Nguyễn Phi Sơn (Phường 1, thành phố Cao Lãnh) vui vẻ cho biết, trong Không gian đại đoàn kết, không cần chờ đến buổi tiếp công dân hay cuộc họp, mỗi người dân đều có thể bày tỏ ý kiến, thể hiện trách nhiệm công dân. Lãnh đạo phường lắng nghe, giải đáp kịp thời hoặc ghi nhận đầy đủ và có hướng triển khai kịp thời cùng vì mục tiêu chung xây dựng phường văn minh, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong khi đó, tại Phường 4, thành phố Sa Đéc, Không gian đại đoàn kết được bố trí ngay trong lòng một ngôi nhà cổ - di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh cũng là điểm đến du lịch nên càng có thêm ý nghĩa. Người dân trong phường tự hào có di tích, đến sinh hoạt, bàn thảo, đóng góp ý kiến, đại diện Đảng ủy, MTTQ, chính quyền nắm bắt, kịp thời, giải quyết khó khăn, kiến nghị, vướng mắc của các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Phường 4, thành phố Sa Đéc Đào Văn Lợi cho biết, có những vấn đề tưởng chừng rất căng thẳng, khó “thông suốt” ngay như giải phóng mặt bằng để mở rộng một số tuyến đường trên địa bàn phường nhưng đến không gian đại đoàn kết, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể giải thích thuận lợi hơn. Người dân cảm thấy được sẻ chia, gần gũi, chân tình, hiểu rõ vấn đề và đồng thuận cao./.
Bài 2: Tạo thêm giá trị mới