Để bảo vệ rừng tốt cần sự phối hợp giữa các ban, ngành; cần có các chính sách cụ thể hơn để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ rừng.
Ngày 29/10, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã tổ chức buổi tiếp xúc và đối thoại với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; qua đó lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng, tiếp thu, ghi nhận những khó khăn, bất cập trong cơ chế, chính sách và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý rừng.
Tại buổi đối thoại, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai, nhấn mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của cộng đồng là yếu tố quyết định trong công tác bảo vệ rừng. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên đề nghị các đơn vị và địa phương tập trung hơn nữa vào công tác trồng rừng, nâng diện tích và độ che phủ rừng để đáp ứng các tiêu chí mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh theo Quyết định số 1750/QĐ-TTg ngày 30/12/2023 và Quyết định 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến 2050 là hơn 714.000ha. Hiện trạng rừng năm 2023 theo Quyết định 61/QĐ-UBND ngày 27/2/2024 của UBND tỉnh Gia Lai cho thấy diện tích rừng xấp xỉ 650.000 ha, bao gồm trên 478.000 ha rừng tự nhiên và hơn 156.000 ha rừng trồng.
Tỉnh Gia Lai đã giao hơn 638.000 ha rừng cho các cho các nhóm chủ quản lý, gồm: Đơn vị chủ rừng thuộc cấp bộ, ngành, đơn vị đứng chân trên địa bàn tỉnh, 21 ban quản lý rừng phòng hộ, 11 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp và 56 cộng đồng dân cư, hộ gia đình. Riêng phần diện tích trên 192.000 ha rừng và đất lâm nghiệp chưa được giao, cho thuê chủ yếu do 137 UBND cấp xã quản lý.
Hiện nay, tình hình quản lý và bảo vệ rừng đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc ngăn chặn khai thác trái phép và bảo vệ tài nguyên rừng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Tại buổi đối thoại, các đại biểu đã nêu ra nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng như điều kiện làm việc của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng còn thiếu thốn, thiếu nhân lực và chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với yếu tố công việc...
Ông Nguyễn Thái Lai, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của các đơn vị vẫn còn thiếu so với quy định. Hiện nay, mỗi cán bộ của Kiểm lâm quản lý gần 2000 ha; lực lượng bảo vệ rừng tại các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng quản lý bình quân trên 1.000 ha. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả công việc mà còn tạo áp lực lớn cho từng cá nhân.
Theo ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, muốn bảo vệ rừng tốt thì sự phối hợp giữa các ban, ngành là hết sức quan trọng. Tỉnh cần có các chính sách cụ thể hơn để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ rừng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lưu Trung Nghĩa cho biết, đơn vị đang tổng hợp các đề xuất, kiến nghị từ các đơn vị chủ rừng, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng để xây dựng và hoàn thiện các chương trình hỗ trợ cụ thể. Riêng các chính sách, cơ chế thuộc thẩm quyền Trung ương (như chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; bổ sung ngành nghề bảo vệ rừng vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại; giảm tuổi nghỉ hưu…), Sở sẽ báo cáo tỉnh để sớm trình lên Chính phủ, các bộ, ngành...
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên ghi nhận những khó khăn của lực lượng bảo vệ rừng và sẽ xem xét điều chỉnh các chính sách hiện hành để phù hợp với thực tiễn; giao các ngành tổng hợp các ý kiến của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, xác định nội dung nào thuộc thẩm quyền của Trung ương, của tỉnh để kiến nghị, đề xuất xử lý./.
- Từ khóa:
- Gia Lai
- tháo gỡ
- bất cập
- quản lý
- bảo vệ rừng