Với vai trò là cầu nối giữa chính quyền, Bộ đội Biên phòng với nhân dân, các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đã gắn kết tình quân dân thêm bền chặt, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ biên giới.
TTXVN - Là tỉnh miền núi phía Tây Bắc Tổ quốc, Điện Biên có hơn 455 km đường biên giới giáp Lào và Trung Quốc. Toàn tỉnh có 29 xã biên giới với hơn 25.700 hộ, thuộc 16 dân tộc sinh sống tại 310 thôn, bản và 3 cụm dân cư trên địa bàn 4 huyện. Tại địa bàn biên giới, các già làng không chỉ gương mẫu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động bà con tham gia phát triển kinh tế, xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, các già làng đóng vai trò quan trọng trong giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên cột mốc, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Đóng chân trên địa bàn xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) - vùng đất cực Tây Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) đã bám sát địa bàn, thực hiện triệt để phương châm “3 bám, 4 cùng” để làm tốt nhiệm vụ được giao. Sự quan tâm, chia sẻ của cán bộ, chiến Biên phòng đã làm thay đổi về nhận thức và hành động của người dân nơi biên giới. Từ đó, bà con càng thêm tin tưởng, kề vai, sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng giữ bình yên biên giới Tổ quốc.
Đối với cán bộ, chiến sĩ trẻ công tác tại Đồn Biên phòng A Pa Chải, mỗi chuyến tuần tra biên giới, phổ biến pháp luật, khi có sự tham gia của già làng, người có uy tín, công việc của đơn vị sẽ thuận lợi hơn. Bởi già làng là người am hiểu địa hình, thông thạo ngôn ngữ bản địa giúp bà con nắm bắt nhanh hơn các quy định của pháp luật... Thông tin, kiến thức và chủ trương của Đảng, Nhà nước do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải phổ biến, các già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng dòng họ đều tuyên truyền, giải thích lại tường tận cho đồng bào bằng tiếng địa phương, phát huy hiệu quả tích cực.
Sau quá trình tuần tra, kiểm tra đường biên, cột mốc, tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới cực Tây (huyện Mường Nhé) cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng, nghỉ chân trên Mốc 0 - mốc giao điểm đường biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc, già làng Lỳ Xuyến Phù (ở bản A Pa Chải, xã Sín Thầu) ân cần dặn dò các cán bộ, chiến sĩ và bà con dân bản: “Cha ông bao thế hệ trước đã nói, mỗi một cột mốc là thiêng liêng của Tổ quốc, chúng ta phải bảo vệ cột mốc thường xuyên, coi nó như con mắt của mình. Chúng ta phải cố gắng hơn nữa để bản làng ngày càng phát triển và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên, cột mốc tốt hơn nữa. Thế hệ các cháu sau này càng phải đoàn kết, cùng nhau bảo vệ bình yên khu vực biên giới”.
Chia sẻ về vai trò của các già làng, trưởng bản trong chuyến tuần tra, kiểm tra đường biên, cột mốc, Thiếu úy Hạng A Minh, Đội trưởng Vũ trang, Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) cho biết, qua quá trình di chuyển trên đường tuần tra cùng các già làng, trưởng bản, cán bộ, chiến sĩ trẻ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý để áp dụng thực tế, như các kỹ năng di chuyển, cách xác định thời gian, đường đi, phương hướng khi trong rừng rộng lớn, không có đồng hồ, sóng điện thoại...
Những điểm nhấn Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên thực hiện hiệu quả tại các xã biên giới là mô hình “Xây dựng điểm sáng văn hóa vùng biên giới”, “Quần chúng tự quản đường biên, mốc giới”, “Ðiểm sáng về an ninh trật tự”, “Dòng họ bình yên”… Qua đó, đơn vị góp phần đã xây dựng được gần 170 bản đạt danh hiệu “Bản văn hóa”, hơn 13.200 hộ khu vực biên giới đạt “Gia đình văn hóa”, gìn an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ khu vực biên giới. Thành công của các mô hình nhờ một phần đóng góp không nhỏ của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tại bản làng biên giới đã trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân, dòng họ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đoàn kết cùng nhau giữ gìn an ninh trật tự, tham gia ký cam kết bảo vệ đường biên cột mốc; tích cực đấu tranh các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu cho biết, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trên địa bàn xã đã cùng cấp ủy, chính quyền, Bộ đội Biên phòng tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời trực tiếp vận động người thân trong gia đình, dòng họ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc trên tuyến biên giới, đảm bảo an ninh trật tự, góp phần bảo vệ bình yên biên cương Tổ quốc.
Tại địa bàn Sín Thầu, vùng đất biên viễn cực Tây Tổ quốc, già làng, trưởng bản, người có uy tín được coi là “điểm tựa” của đồng bào. Trong số đó, nhiều người là đảng viên, không chỉ hoàn thành tốt công tác xã hội mà luôn gần dân, sát dân, tuyên truyền, giác ngộ cho quần chúng. Bằng ý chí và khát khao thay đổi cuộc sống nghèo khó, họ còn mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế, làm mẫu cho bà con, giúp nhiều bản làng nơi cực Tây thay da đổi thịt, cuộc sống ngày càng no ấm. Với vai trò là cầu nối giữa chính quyền, Bộ đội Biên phòng với nhân dân, các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đã gắn kết tình quân dân thêm bền chặt, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ biên giới.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô cho biết, tỉnh chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiếu số. Hằng năm, tỉnh chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức bình xét, công nhận già làng, trưởng bản, người có uy tín để tiếp tục thực hiện chính sách theo quy định; tuyên truyền, phổ biến quy định, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao kiến thức cho già làng, trưởng bản. Tỉnh tổ chức cho các già làng, trưởng bản, người có uy tín học tập một số mô hình, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực tế nhiều năm tại Điện Biên có thể khẳng định, các già làng, trưởng bản, người có uy tín là lực lượng nòng cốt trong việc phát huy vai trò xây dựng khối đại đoàn kết trong đồng bào dân tộc.
Năm 2022, toàn tỉnh Điện Biên có hơn 1.240 người có uy tín, trong đó có hơn 360 già làng, hơn 110 trưởng dòng họ, gần 130 trưởng thôn, bản. Sự đồng hành, chung tay của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín nói riêng, người dân thuộc 19 cộng đồng dân tộc trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào sự ổn định, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới và xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc./.