Hội thảo cập nhật các xu hướng quản trị nhân sự tại Việt Nam, khu vực, từ đó đưa ra bức tranh mới về chiến lược nhân sự, giúp các doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh sau dịch COVID-19.
TTXVN 14/3 - Ngày 14/3, tại Đà Nẵng, Công ty cổ phần Kết nối Nhân Tài (Talentnet Corporation) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam - Chi hội Đà Nẵng (AmCham Vietnam - AmCham Đà Nẵng) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nguồn nhân lực - Bức tranh mới cho chiến lược mới”. Tham dự có gần 200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và chính quyền địa phương.
Hội thảo là nơi các lãnh đạo doanh nghiệp và quản lý nhân sự nhìn lại tình hình kinh tế-xã hội năm 2022, cập nhật các xu hướng quản trị nhân sự tại Việt Nam và khu vực, từ đó đưa ra bức tranh mới về chiến lược nhân sự của doanh nghiệp tại thành phố Đà Nẵng nhằm giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, phát triển sau dịch COVID-19.
Theo bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Talentnet Corporation, người lãnh đạo doanh nghiệp cần có quyết tâm thay đổi, từ đó mới có thể tái cơ cấu doanh nghiệp, giúp người lao động thay đổi tư duy và nắm bắt những cơ hội xung quanh. Ba xu hướng nhân sự trọng tâm trong năm nay sẽ là ứng dụng công nghệ vào quản trị, chính sách làm việc linh hoạt và sự gắn kết nhân viên thông qua văn hóa doanh nghiệp. Việc xây dựng một chiến lược nguồn nhân lực dựa trên công nghệ - sự linh hoạt - văn hóa sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp Việt nói chung, doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng thu hút và giữ chân nhân tài...
Các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp tại Đà Nẵng; triển vọng nền kinh tế Việt Nam sau dịch; những thách thức và cơ hội của người lao động và cấp quản lý nhân lực tại Việt Nam… để cùng đưa ra các giải pháp, kế hoạch kinh doanh cho công ty thời gian tới.
Chia sẻ về triển vọng kinh tế Việt Nam sau đại dịch COVID-19, ông Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital cho biết, GDP của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 6%, thấp hơn mức bình quân trước dịch (khoảng 7%). Tuy nhiên, ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam được dự báo sẽ tăng, dự kiến khoảng 7% GDP (trước dịch, mức trung bình là 3%). Đây là tín hiệu đáng mừng khi Việt Nam tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng việc xây dựng sân bay, đường cao tốc… Lượng khách du lịch đến Việt Nam trong năm 2023 dự kiến sẽ hồi phục 50% so với trước dịch COVID-19.
Ông Michael Kokalari cho hay, Việt Nam đang ở giai đoạn “vàng” của việc tiêu thụ bùng nổ, khi dân số trong khoảng từ 45-50 tuổi (độ tuổi được cho là có mức tiêu thụ nhiều nhất) và sẽ còn tăng lên trong ít nhất 10 năm nữa. Việt Nam cũng đang tiến dần lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất (từ vị trí gia công, sản xuất lên những vai trò, công việc phức tạp hơn như thiết kế, nghiên cứu, vận chuyển, marketing…).
Theo ông Chris Vanloon, Chủ tịch Chi hội Đà Nẵng (Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam), xu hướng nhân khẩu học của Đà Nẵng đang khá tích cực. Giới trẻ đang chi tiêu khá nhiều cho các dịch vụ sức khỏe, ăn uống, giải trí. Đây là cơ hội cho địa phương phát triển. Ba thử thách lớn nhất của Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung là chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Theo khảo sát nhanh của Talentnet trên 120 doanh nghiệp tại Đà Nẵng (chủ yếu thuộc ngành công nghệ cao, sản xuất và dịch vụ), một nửa trong số đó cho rằng, hai thách thức lớn nhất về nguồn nhân lực là thiếu hụt nhân tài (50%) và giữ chân nhân tài (48%). Điều này cho thấy, mặc dù trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều biến động, thiếu hụt đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhân viên bị sa thải hàng loạt, các doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn rất quan tâm đến việc đầu tư, thu hút nhân tài. Gần 80% doanh nghiệp đồng ý “môi trường làm việc” và “khả năng lãnh đạo” là 2 lợi thế cạnh tranh quan trọng trong cuộc đua nhân tài của các công ty Đà Nẵng. Các doanh nghiệp cũng đang chú trọng áp dụng công nghệ trong quản trị nhân sự và xây dựng thương hiệu tuyển dụng để sẵn sàng cho tương lai.../.