Đại hội XIII định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người là nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới
(TTXVN) Nghị quyết Đại hội XIII xác định, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là vấn đề tất yếu để bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận của dân tộc, của đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển bền vững, đồng thời là nhu cầu khách quan trong quá trình thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh''.
Đại hội XIII cũng đã định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người đặt lên hàng đầu là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ giá trị gia đình; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ cơ bản trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ mới.
Trước vấn đề lớn, hệ trọng, tác động trực tiếp tới sự phát triển của đất nước, theo các chuyên gia, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ và đặc biệt phải kiên trì, nghiêm túc, thực hiện thường xuyên, liên tục.
Chuẩn mực con người là chìa khóa phát triển xã hội
Nhằm xây dựng hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, nếu hiểu theo nghĩa rộng, chung nhất, giá trị là những sự vật, hiện tượng, quá trình hay tất thảy những thứ được con người xem là có ý nghĩa nhất định, ít nhiều, đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của con người, xã hội. Nó bao hàm cả mặt chủ quan lẫn khách quan gắn bó chặt chẽ, không tách rời lẫn nhau.
Theo nghĩa đó, chuẩn mực con người là những yếu tố tích cực, những phẩm chất, đặc tính, tính cách người, các nội dung, yêu cầu trong các quan hệ xã hội, thể hiện thực chất những quan hệ giữa người với tự nhiên, với người khác, với cộng đồng, với xã hội, được hình thành và trao truyền trong quá trình sinh tồn, phát triển có ý nghĩa tích cực, tốt đẹp, hữu ích, thúc đẩy sự phát triển con người và xã hội.
Chuẩn mực con người còn là sản phẩm quá trình nhận thức của các chủ thể người khác nhau. Trong đời sống con người có nhiều loại phẩm chất, yếu tố, đặc tính, quan hệ xã hội khác nhau, từ quan hệ trong gia đình đến quan hệ ngoài xã hội, từ quan hệ với quá khứ đến quan hệ với hiện tại và tương lai, chính vì thế, chuẩn mực con người có nhiều giá trị cụ thể với nhiều nội dung khác nhau, có trật tự, thứ bậc khác nhau. Và việc xây dựng và phát triển hệ giá trị con người nhất thiết phải chú ý đến việc thay đổi các quan hệ lợi ích, các điều kiện và môi trường xã hội.
Hệ giá trị con người được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài, được sàng lọc, gạt bỏ, bổ sung, tiếp biến và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Hệ giá trị dù có biến đổi thường xuyên, liên tục, nhưng cũng có độ trễ so với những biến đổi của các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có tính ổn định tương đối, có sự bền vững, bất biến, “trường tồn” ở những mức độ và phạm vi nhất định.
Hệ giá trị con người được lưu giữ, truyền bá từ thế hệ này qua thế hệ khác, trở thành tài sản, hành trang của các thế hệ, mang suốt cuộc đời. Nó trở thành thước đo suy nghĩ, hành vi, hoạt động của mỗi con người, cộng đồng trong xã hội, của từng thời kỳ lịch sử cụ thể, là “khuôn mẫu”, “chuẩn mực” để mỗi người và cả cộng đồng định hướng cho các suy tư, hành vi và hoạt động của mình. Nếu các suy tư, hành vi, hoạt động ấy, dù theo đúng khuôn mẫu, chuẩn mực ấy, nhưng mang lại hệ quả không tốt, không đáp ứng lợi ích chung hoặc riêng, không phù hợp với hiện tại hoặc tương lai thì những khuôn mẫu, chuẩn mực cụ thể, những giá trị đơn lẻ, hoặc những nội dung xác định của giá trị đó sẽ bị loại bỏ dần.
Hệ giá trị con người gồm nhiều giá trị cấu thành khác nhau. Ở mỗi giai đoạn phát triển của con người và xã hội thì hệ giá trị con người có những thay đổi nhất định. Điều đó lại dẫn đến sự thay đổi các chuẩn mực cụ thể trong đời sống con người và cộng đồng. Điều này không chỉ phụ thuộc vào bối cảnh, điều kiện khách quan, lĩnh vực nghề nghiệp, mà còn phụ thuộc vào các giai đoạn phát triển của chủ thể, phụ thuộc vào tiến trình chuyển biến của vòng đời con người. Việc xây dựng hệ giá trị con người trong thời kỳ mới hiện nay phải cụ thể hóa thành các tiêu chí, chuẩn mực, cho từng lớp người, các lĩnh vực xã hội, các lứa tuổi khác nhau.
Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính sau: Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Chia sẻ về giá trị cốt lõi của văn hoá gia đình Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lương Đình Hải cho rằng, đó là sự ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Đây có thể xem là những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay. Những giá trị này vừa là kết tinh những truyền thống tốt đẹp hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ đất nước, vừa là yêu cầu, đòi hỏi con người Việt Nam đương đại phải thực hiện, phải tuân thủ, phải xem là khung khổ, khuôn mẫu, tiêu chí để suy nghĩ và hành động.
Không ai có thể phủ nhận rằng yêu nước là một giá trị của con người Việt Nam, dù đó là con người Việt Nam trong lịch sử hay con người Việt Nam hiện nay. Đây là giá trị cốt lõi nhất, cơ bản nhất trong các giá trị cốt lõi, cơ bản của hệ giá trị con người. Đồng thời, nó cũng là giá trị muôn đời của các thế hệ mai sau.
Cũng tương tự như vậy, các giá trị đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo, cũng là những giá trị vừa mang tính truyền thống, vừa là chuẩn mực, tiêu chí cho suy nghĩ và hành động của mỗi người, mỗi cộng đồng và cả dân tộc trong cả hiện tại và tương lai. Chắc chắn rằng đây chưa phải là toàn bộ các giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn đoạn hiện nay. Hệ giá trị con người Việt Nam còn nhiều giá trị khác như nhân ái, khoan dung, anh hùng, dũng cảm, hiếu học, cần cù, lạc quan, trọng đạo lý...
Giá trị văn hóa - Nền tảng chuẩn mực con người
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), giá trị, hệ giá trị văn hóa do con người sáng tạo ra trong quá trình tương tác với tự nhiên, xã hội. Sự sáng tạo này là liên tục và đến lượt mình (hệ giá trị văn hóa) lại trở thành yếu tố cơ sở, nền tảng, chuẩn mực chi phối phương châm, triết lý sống cũng như từng hành vi của con người. Như vậy, con người vừa là chủ thể vừa là khách thể của hệ giá trị văn hóa.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Châm nhấn mạnh, với cách hiểu như vậy, giá trị, hệ giá trị văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà Đảng ta đã đề ra.
Ngoài ra, hệ giá trị văn hóa mang tính tương đối khi chúng ta trải nghiệm một thực tế. Theo đó, mỗi cộng đồng, tộc người, mỗi nhóm xã hội đều có hệ giá trị riêng mà những hệ giá trị ấy được hình thành và duy trì, phát triển trong điều kiện cụ thể và đặc thù của chính cộng đồng tộc người hay nhóm xã hội đó. Vì vậy, khi nhìn nhận, đánh giá về bất cứ một giá trị, hệ giá trị nào cũng cần đặt nó trong bối cảnh sinh thái, lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nó.
Hệ giá trị văn hóa có tính tương đối thể hiện ở cả cấp độ cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Mỗi cá nhân có thể theo đuổi giá trị này mà không phải giá trị kia, thậm chí trong các bối cảnh khác nhau có thể lựa chọn các giá trị khác nhau hoặc cho giá trị này là quan trọng, là cần ưu tiên hơn giá trị kia,... có thể lựa chọn giá trị hay chính là lựa chọn phương châm sống, triết lý sống cho mình hoàn toàn khác với cá nhân khác hoặc khác với số đông.
Ở cấp độ cộng đồng, quốc gia, tính tương đối càng thể hiện rõ. Do điều kiện tự nhiên, điều kiện lịch sử, cũng như điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khác nhau, nên quá trình sáng tạo văn hóa ở mỗi cộng đồng, quốc gia là khác nhau và hệ giá trị được hình thành, vận hành trong các cộng đồng, quốc gia đó cũng theo các quá trình và phương thức khác nhau...
Hệ giá trị phụ thuộc vào từng bối cảnh đặc thù của từng vùng, miền, tộc người và phụ thuộc vào sự lựa chọn của chủ thể văn hóa nên có thể khác nhau, thậm chí có thể mâu thuẫn nhau.../.