Phụ nữ Việt Nam với truyền thống tốt đẹp đã luôn gìn giữ mạch nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc, thắp sáng ngọn lửa tinh thần yêu nước.
(TTXVN) Chiều 28/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: Thực trạng và giải pháp”.
Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng, phụ nữ Việt Nam với truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, đảm đang công việc gia đình đã luôn gìn giữ mạch nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc, thắp sáng ngọn lửa tinh thần yêu nước.
Thực tiễn cho thấy, vị thế của phụ nữ trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua. Việt Nam đã chứng kiến những tiến bộ rõ rệt đã đạt được về quyền và sự lãnh đạo của phụ nữ trong một số lĩnh vực, đáng chú ý nhất là quyền tiếp cận giáo dục, cải thiện sức khỏe bà mẹ, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động.
Theo Báo cáo phát triển con người toàn cầu năm 2020, chỉ số phát triển con người năm 2019 của Việt Nam xếp vị trí 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những năm gần đây, tỷ lệ nữ sinh viên đại học ở Việt Nam trội hơn so với nam sinh viên. Chỉ số phát triển giới của Việt Nam đạt được khá cao so với các nước trong khu vực, khoảng cách bất bình đẳng giới được thu hẹp đáng kể trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Điều này cho thấy tác động của các chính sách bảo đảm bình đẳng, công bằng đối với tiếp cận giáo dục. Lao động nữ ngày càng khẳng định vị thế trong sự nghiệp xây dựng quốc gia phồn thịnh, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, là nền tảng tiến tới bình đẳng giới, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội và góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen đang đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới trong quá trình xây dựng, phát triển con người nói chung, phụ nữ nói riêng. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, công nghệ số tiến triển mạnh mẽ đang tác động đến đời sống của phụ nữ. Các thành tựu kinh tế - xã hội sau hơn 35 năm đổi mới tiếp tục tạo tiền đề nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế; tinh thần đoàn kết dân tộc, khát vọng phát triển ngày càng được khơi dậy mạnh mẽ. Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương. Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tạo cơ hội tốt hơn cho Việt Nam tham gia nền kinh tế quốc tế.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo nhiều việc làm thu nhập cao hơn cho lao động, trong đó có lao động nữ. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế đã khơi dậy tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, thúc đẩy phụ nữ nâng cao trình độ dân trí, nhận thức chính trị, trách nhiệm công dân. Các chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đã tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ.
Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ cần tiếp tục quan tâm: Đói nghèo, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thay đổi chức năng gia đình; bạo lực trên cơ sở giới, ma túy, mại dâm, các vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em; sự gia tăng các loại tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao, tốc độ tăng mạnh của công nghiệp hóa, đô thị hóa, bất bình đẳng giới…
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích những chiều cạnh quan trọng, cốt lõi phản ánh được đặc điểm người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: Có tri thức, có đạo đức, có sức khoẻ, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước; đánh giá thực trạng, thách thức trong việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới từ bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội quốc tế và trong nước; nhận diện các rào cản về thể chế, chính sách (giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, khoa học, công nghệ, chăm sóc sức khoẻ…), cũng như thiếu hụt về các dịch vụ xã hội hiện nay; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn về những giải pháp hỗ trợ xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.
Đồng thời, các đại biểu đề xuất, gợi ý các chính sách, giải pháp, sáng kiến về xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới với phù hợp với việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” và chức năng, nhiệm vụ của Hội, yêu cầu của xã hội trong tình hình mới./.
- Từ khóa:
- phụ nữ
- thời đại mới