98,7% người dân đã có kháng thể kháng protein S từ nhiễm bệnh tự nhiên hoặc đã tiêm vaccine phòng COVID-19.
(TTXVN) 98,7% người dân đã có kháng thể kháng protein S từ nhiễm bệnh tự nhiên hoặc đã tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là kết quả nghiên cứu khoa học khảo sát tình hình miễn dịch cộng đồng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với virus SARS-CoV-2 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện vào tháng 9/2022.
Theo đó, tháng 9/2022, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chọn mẫu ngẫu nhiên có bảo đảm tính đại diện cao về độ tuổi (từ 0 đến trên 70 tuổi), giới tính và các khu vực địa lý khác nhau trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng cộng có 839 đối tượng đã được thu thập mẫu huyết thanh để tiến hành đo các kháng thể kháng protein N (anti-N protein) nhằm đánh giá tỷ lệ người dân đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và tỷ lệ người dân có kháng thể kháng protein S (anti-Spike protein).
Kết quả cho thấy, 88,2% trong tổng số 839 mẫu thu nhận có kháng thể kháng N protein và có đến 98,7% người dân đã có kháng thể kháng protein S từ nhiễm tự nhiên hoặc đã tiêm vaccine. Cụ thể, về kháng thể kháng N protein, đây là kháng thể chỉ xuất hiện từ việc mắc COVID-19 tự nhiên hoặc sau khi tiêm vaccine bất hoạt Sinopharm. Tuy nhiên, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, vaccine Sinopharm được sử dụng rất hạn chế. Qua đó có thể kết luận rằng, tính đến tháng 9/2022, có 88% người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2. Dựa vào tình hình dịch tễ chung của Thành phố và thời điểm mở cửa trường học là sau Tết Nhâm Dần (tháng 3/2022), cùng lúc với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, nhóm nghiên cứu nhận định, "làn sóng" Omicron là tác nhân chính của việc nhiễm tự nhiên ở người dân trên địa bàn.
Trong khi đó, có đến 98,7% người dân đã có kháng thể kháng protein S (từ nhiễm tự nhiên hoặc do tiêm vaccine). Tỷ lệ này khá tương đồng ở tất cả các địa bàn được khảo sát. Chỉ còn một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 1,3%) người dân là không có kháng thể kháng protein S (nồng độ kháng thể ở mức dưới ngưỡng phát hiện của kỹ thuật xét nghiệm). Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa với việc những người này không được bảo vệ trước virus SARS-CoV-2 vì đợt khảo sát này không đánh giá đáp ứng miễn dịch tế bào (nếu đã có đáp ứng miễn dịch tế bào thì ngay sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, các tế bào Lympho B nhớ sẽ kích hoạt lập tức và sản xuất ra kháng thể; đồng thời các tế bào Lympho T cũng kích hoạt và tiêu diệt virus).
Đáng chú ý, kết quả phân tích nồng độ kháng thể kháng protein S ở nhóm tuổi 12 trở xuống cho thấy, nhóm này có xu hướng thấp hơn so với các nhóm tuổi còn lại. Điều này phù hợp với thực tế về độ phủ vaccine ở nhóm này thấp hơn. Tuy nhiên, ngưỡng nồng độ kháng thể dương tính là bao nhiêu thì bảo đảm đạt mức độ bảo vệ trước biến chủng Omicron vẫn đang được các nhà khoa học trên thế giới tìm hiểu, chưa có đủ cơ sở khoa học để xác định.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, việc xác định được tỷ lệ người dân có miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 (do đã mắc bệnh hoặc do đã tiêm vaccine) có ý nghĩa rất quan trọng; là cơ sở khoa học để thuyết phục người dân cần tiêm vaccine nếu tỷ lệ có kháng thể chưa cao. Đồng thời cũng là cơ sở khoa học để tuyên truyền, vận động người dân tiêm nhắc lại theo đúng quy định nhằm duy trì khả năng miễn dịch nếu tỷ lệ có kháng thể tại thời điểm khảo sát đã ở mức bảo vệ cộng đồng.
Vào tháng 12/2022, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục khảo sát diễn tiến huyết thanh học cộng đồng và mối liên quan giữa dữ liệu về kháng thể với mức độ nặng của bệnh theo các nhóm tuổi trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh để có thể xem xét đánh giá thêm mức độ hiệu quả của miễn dịch cộng đồng đối với virus SARS-CoV-2./.
- Từ khóa:
- kháng thể phòng ngừa COVID-19