Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết: Từ ngày 1/1/2021-30/6/2022 đã có 9.680 nhân viên y tế thôi việc hoặc chuyển sang cơ ở y tế ngoài công lập, chiếm 2% nguồn nhân lực y tế, trong đó, bác sỹ chiếm 32%.
Làm gì để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân sau đại dịch COVID-19 là nội dung được đưa ra và nhận được nhiều câu trả lời nhất tại Hội nghị thường niên của Câu lạc bộ Giám đốc các Bệnh viện phía Nam, được tổ chức ngày 25/11, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Các Giám đốc bệnh viện cho rằng giải pháp về nhân lực y tế, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo môi trường làm việc an toàn và quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ nhân viên... sẽ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Làm gì để giữ chân nguồn nhân lực y tế
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết: Từ ngày 1/1/2021-30/6/2022 đã có 9.680 nhân viên y tế thôi việc hoặc chuyển sang cơ ở y tế ngoài công lập, chiếm 2% nguồn nhân lực y tế, trong đó, bác sỹ chiếm 32%. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao nhất cả nước; các tỉnh khu vực miền núi ít có sự chuyển dịch nguồn nhân lực y tế hơn.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, nguyên nhân dẫn đến nhân viên y tế thôi việc hoặc dịch chuyển là do thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống; môi trường làm việc vất vả, không an toàn; công việc cường độ cao, vất vả thời gian kéo dài. Bên cạnh đó, áp lực từ người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhu cầu người bệnh ngày càng cao…
Để giữ chân nguồn nhân lực y tế, ngoài việc động viên tinh thần, biểu dương, khích lệ, tăng cường công tác giáo dục chính trị, Bộ Y tế cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế. Trong đó có trình Chính phủ ban hành chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở; điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo tính đúng, tính đủ, hoàn thiện cơ chế xã hội hoá để mở rộng các hoạt động đáp ứng nhu cầu của người dân.
Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, có uy tín, có khả năng tổ chức tốt công việc, luôn hỗ trợ, động viên, tạo động lực cho cấp dưới; cải thiện môi trường làm việc...
Để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh vừa phòng chống các bệnh truyền nhiễm như bệnh đậu mùa khỉ, tay chân miệng, sốt xuất huyết…, theo các đại biểu cần tiếp tục thực hiện 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện, đảm bảo an toàn người bệnh.
Tuy nhiên, nhiều Giám đốc Bệnh viện bày tỏ: "Thực hiện đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh đã khó, duy trì và cải tiến chất lượng còn khó hơn khi nhân lực bệnh viện đã có sự dịch chuyển không nhỏ".
Công nghệ thông tin và chuyển đổi số là trọng tâm
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Tổng thư ký các Câu lạc bộ Giám đốc các Bệnh viện Việt Nam cho biết, trong 2 năm đại dịch, hệ thống khám chữa bệnh đã không ngừng tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở Việt Nam.
"Trong thời gian qua, đã có hơn 3.000 ca bệnh được tư vấn khám chữa bệnh từ xa, trên 1.100 buổi hội chẩn được thực hiện với 32.000 điểm cầu được kết nối, 155 ca bệnh nguy kịch được cứu sống. Tuy nhiên, vẫn còn gần 38% cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai lấy số xếp hàng tự động đảm bảo công bằng khi đi khám bệnh; thanh toán viện phí tiền mặt vẫn còn chiếm gần 30%", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục rà soát và hoàn thiện chính sách về công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng, hoàn thiện Thông tư kê đơn thuốc điện tử; khám chữa bệnh từ xa, giá khám chữa bệnh từ xa, hội chẩn…
"Trách nhiệm các Giám đốc Bệnh viện là thực hiện nghiêm các văn bản của Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế về công nghệ thông tin và chuyển đổi số; quan tâm hàng đầu thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; hoàn thiện hệ thống nâng cao năng lực cho đội ngũ công nghệ thông tin bệnh viện…", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh và nhân dân, song song với việc tạo môi trường làm việc an toàn và quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ nhân viên.
Cùng với thực hiện công khai minh bạch công tác mua sắm, đấu thầu hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu thuốc và vật tư cho công tác khám chữa bệnh; cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của đơn vị, thí điểm tiến tới áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các Bệnh viện./.