Các đơn vị, cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tính toán, tuyển dụng giáo viên hợp đồng để bù vào số hụt trong các năm học, nhằm đảm bảo chương trình dạy và học.
TTXVN - Đã hơn nửa học kỳ I năm học 2023-2024 trôi qua, tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương và cấp học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn tồn tại, chưa thể giải quyết dứt điểm. Ngành Giáo dục được giao thêm chỉ tiêu nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn rất khó tuyển dụng ở một số nơi.
* Nhiều lý do
Ông Lê Hồng Tuyển, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa cho biết, năm học 2023-2024, số lượng giáo viên từ cấp Mầm non đến Trung học cơ sở của thị xã được giao 2.753 chỉ tiêu biên chế, nhưng hiện tại chỉ có 2.024 biên chế. Tình trạng này đã kéo dài 8 năm qua, đến năm học 2023-2024 mới có đợt tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục.
Theo ông Tuyển, trong số hơn 700 chỉ tiêu thiếu nêu trên, chỉ có 500 chỉ tiêu biên chế viên chức là giáo viên. Số lượng thiếu này do giáo viên hàng năm đến tuổi nghỉ hưu, không có chỉ tiêu tuyển dụng biên chế, dồn qua từng năm nên lên đến con số 500 người. Trong khi giáo viên nghỉ việc vì áp lực công việc, thuyên chuyển công tác, tỷ lệ rất thấp, gần như không có.
Trước tình trạng này, các đơn vị sự nghiệp giáo dục chủ động ký hợp đồng để đảm bảo chương trình dạy và học. Điều đáng nói, nhiều trường dù thực hiện tuyển dụng hợp đồng nhưng vẫn không thể tuyển được giáo viên do đặc thù vùng sâu, vùng xa, đi lại xa, khó khăn, trong khi giáo viên hợp đồng chỉ có lương, không có thêm các chính sách đãi ngộ khác.
Điển hình, tại trường Tiểu học Ninh Thủy, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, năm học này có 880 học sinh với 28 lớp học và thiếu 11 giáo viên, trong đó có 9 giáo viên Tiểu học, 2 giáo viên tiếng Anh. Đi được nửa chặng đường học kỳ I, nhà trường đã tuyển được 3 giáo viên hợp đồng, số còn lại đành để trống, giáo viên biên chế tăng giờ dạy hoặc phân công thành viên Ban giám hiệu tham gia dạy một số tiết, phân công giáo viên bộ môn làm công tác chủ nhiệm lớp.
Thầy Nguyễn Tường Vy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ninh Thủy cho biết, nhà trường đã triển khai các giải pháp khi thiếu giáo viên. Đến nay, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, việc phân bố tiết dạy bắt buộc phải cắt bớt số tiết tăng cường, chỉ dạy đủ số tiết theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 hoặc giáo viên nghỉ tiết/buổi sẽ qua dạy cho các lớp thiếu giáo viên.
“Chưa kể xin biên chế của thị xã, ngay đến cả việc hợp đồng với giáo viên giảng dạy ở vùng xa thị xã như Ninh Thủy rất khó. Năm nào cũng thiếu giáo viên nhưng hợp đồng lại không có. Điều này gây khó khăn cho công tác phân công chuyên môn và hoạt động của nhà trường, phần nào sẽ ảnh hưởng đến công tác giáo dục”, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ninh Thủy nói.
Cùng chung cảnh thiếu giáo viên, trường Trung học cơ sở Sơn Lâm, huyện miền núi Khánh Sơn cũng đã có những phương án hợp đồng với giáo viên. Đây là năm thứ 3, nhà trường thiếu giáo viên nhưng khi có kế hoạch tuyển dụng, lại rất khó để tuyển đủ số lượng.
Theo cô Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Sơn Lâm, vì là trường ở huyện miền núi nên khi các giáo viên có đủ điều kiện sẽ chuyển công tác đi nơi khác, do đó sẽ bị thiếu hụt giáo viên. Nhà trường đã chủ động hợp đồng hàng năm với các giáo viên, thậm chí trong trường hợp không hợp đồng hàng năm, trường triển khai hợp đồng theo số tiết dạy.
Ông Nguyễn Hữu Thơ, Trưởng phòng Giáo dục huyện Khánh Sơn cho biết, năm học 2023-2024, huyện thiếu 36 giáo viên nhưng nếu xét theo lộ trình tinh giản biên chế, đến năm 2026, toàn huyện thiếu 45 chỉ tiêu giáo viên. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là hằng năm, các giáo viên được thuyên chuyển công tác từ miền núi đi các địa phương khác theo nguyện vọng sau khi có đủ thời gian công tác tại địa bàn khó khăn.
Cho rằng chất lượng giáo dục sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu giáo viên, Trưởng phòng Giáo dục huyện Khánh Sơn chia sẻ, các trường đang nỗ lực khắc phục dựa trên tình hình thực tế. Ngành cũng đưa ra nhiều phương án để giáo viên yên tâm công tác nhưng trong đó cốt lõi vẫn là động viên. Đối với việc đãi ngộ cho giáo viên công tác trên địa bàn huyện, ngoài các chính sách chung, các giáo viên Mầm non, Tiểu học hợp đồng lao động được hưởng phụ cấp ưu đãi 50%, các giáo viên Trung học cơ sở hợp đồng được hưởng mức 35%. Tuy vậy, huyện vẫn khó thu hút giáo viên về giảng dạy ổn định, lâu dài do đặc thù huyện vùng cao.
Đối với hệ Trung học phổ thông, nhiều năm nay có tình trạng thiếu giáo viên các bộ môn tự chọn như Âm nhạc, Mỹ thuật... xuất phát từ thực tiễn nhu cầu chọn môn học của học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Các trường không thể chủ động tuyển dụng các biên chế hay hợp đồng từ sớm với giáo viên, bởi phải căn cứ trên nhu cầu học của học sinh từng năm. Thông tư 20/2023/TT-BGDDT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập (dự kiến có hiệu lực vào tháng 12 sắp tới) cũng sẽ tác động đến công tác tuyển dụng giáo viên, khiến các đơn vị sự nghiệp giáo dục phải tính lại số lượng thừa, thiếu giáo viên để có luân chuyển phù hợp.
* Để giáo viên “bám trường, bám nghề”
Đang là giáo viên hợp đồng tại trường Tiểu học Ninh Thủy (phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa), cô Châu Thị Đồng cho biết, cô vừa tham gia thi tuyển dụng viên chức sự nghiệp đào tạo năm 2023 của thị xã, hiện đang chờ kết quả. Cô Đồng hy vọng sẽ trúng tuyển trong đợt này, bởi từ năm 2018 về trường dạy hợp đồng đến nay mới có một đợt tuyển dụng. 5 năm dạy hợp đồng tại trường, ngoài tiền lương, cô không có thêm khoản thu nhập khác. Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ và mong muốn được cống hiến vào sự nghiệp “trồng người”, cô vẫn nỗ lực công tác.
Ông Nguyễn Hữu Tuyển, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa cho rằng, môi trường sư phạm tại cơ sở giáo dục đảm bảo thân thiện, hài hòa sẽ níu chân được giáo viên ở lại với trường. Có thể trường ở xa trung tâm hay các khoản thu nhập còn chưa cao, thậm chí áp lực của khối Mầm non, nhưng cũng không ngăn cản được tình yêu nghề với các giáo viên.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ninh Hòa sẽ thực hiện luân chuyển giáo viên phù hợp, đảm bảo hài hòa cho giáo viên, nhà trường, tránh tình trạng giáo viên chuyển đi mà đơn vị giáo dục bị thiếu nhân sự, ảnh hưởng đến công tác giảng dạy. Phòng cũng tạo điều kiện để các trường, các giáo viên nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tham gia các lớp tập huấn giáo dục và chương trình nâng hạng, nâng chuẩn giáo viên.
Ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn ngành Giáo dục Khánh Hòa hiện có 22.196 cán bộ, công nhân viên, giáo viên hệ công lập và ngoài công lập. Giải bài toán thiếu giáo viên không hề đơn giản. Đây là lộ trình tinh giản biên chế của ngành Giáo dục toàn quốc, đảm bảo năm 2025, giảm 10% chỉ tiêu con người ở các đơn vị giáo dục và viên chức trong ngành.
Về các công tác tuyển dụng, ngành Giáo dục của tỉnh cũng cần xem xét toàn diện, tính toán với các đơn vị, cơ quan chuyên môn khác trong tỉnh mới đưa ra tham mưu cụ thể. Thời gian tới, các đơn vị giáo dục sẽ có sự sắp xếp lại, sáp nhập các trường nên số lượng giáo viên sẽ được tính toán hợp lý hơn. Do đó, có thể năm nay, có trường thiếu giáo viên nhưng năm sau sẽ được bù lại đủ.
Trước tình trạng thiếu giáo viên biên chế, các đơn vị, cơ sở giáo dục trong tỉnh đã tính toán, tuyển dụng giáo viên hợp đồng để bù vào số hụt trong các năm học, nhằm đảm bảo chương trình dạy và học. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị bổ sung đầy đủ giáo viên cho chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo các em học sinh chọn các môn học theo hình thức tự chọn có giáo viên giảng dạy.
Ông Võ Hoàn Hải nhấn mạnh, trong những năm qua, Ngành Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa đã thực hiện tốt, đầy đủ các chính sách đãi ngộ, lương cho giáo viên. Đối với các vùng đặc biệt khó khăn, các chính sách, phụ cấp đảm bảo chi trả đầy đủ. "Tuy nhiên, để giải bài toán này sẽ cần thời gian dài và cách thức vận dụng linh hoạt khéo léo và sự chủ động của Ban lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp giáo dục", trưởng ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm./.
- Từ khóa:
- thiếu giáo viên
- Khánh Hòa