Thời gian tới, Nam Định tập trung phát triển năng lực, kỹ năng, phẩm chất cho người học, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh
TTXVN - Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Nam Định đã có giải pháp đồng bộ để đạt được thành tích 28 năm dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục.
* Nâng cao chất lượng giáo dục
Thực hiện Nghị quyết số 29, Trường Trung học Phổ thông Hoàng Văn Thụ (huyện Vụ Bản) chú trọng nhiệm vụ đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; xem đây là vấn đề cốt lõi cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhà trường xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học tinh giản phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên.
Cùng với đó, trường đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi, phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, đào tạo nhân tài. Nhờ vậy, trường trở thành điểm sáng của tỉnh khi liên tiếp đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi và Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Từ năm học 2018 - 2019 đến nay, điểm trung bình thi tốt nghiệp của trường luôn nằm trong tốp đầu các trường công lập của tỉnh. Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 3 liên tiếp nhà trường đứng thứ 2 toàn tỉnh (sau Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong) về điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Thầy Hoàng Trung Sâm, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hoàng Văn Thụ chia sẻ, nhà trường xác định, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng đánh giá đúng phẩm chất năng lực học sinh để xác định đúng đối tượng, phân luồng và định hướng nghề nghiệp. Trường tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức hiệu quả các hoạt động ngoài giờ, trải nghiệm sáng tạo cho học sinh; nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ trong nhà trường.
Việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, nhất là áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được các cơ sở giáo dục của tỉnh thực hiện hiệu quả. Các trường đã tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh, chú trọng rèn luyện cho các em phương pháp tự học, tự nghiên cứu. Các cơ sở giáo dục không ngừng đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả, đảm bảo trung thực, khách quan. Từ năm 2015 -2022, tỉnh có 6 năm xếp thứ Nhất và 2 năm xếp thứ Nhì cả nước về điểm trung bình các môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp đạt trên 99%...
* Bồi dưỡng nhân tài
Bên cạnh giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn được tỉnh quan tâm với mục tiêu tạo nguồn bồi dưỡng nhân tài. Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) được xem như “cái nôi” đào tạo nhân tài của tỉnh. Với phương châm "lấy người học làm trung tâm của quá trình học", nhà trường khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học.
Thầy Phạm Thanh Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong cho biết, nhà trường tích cực đào tạo đội ngũ giáo viên đủ năng lực để tham gia giảng dạy các lớp chuyên, các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Hàng năm, trường xây dựng lộ trình cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, khóa tập huấn chuyên môn, các chương trình đào tạo chuyên sâu để cập nhật những kiến thức, phương pháp mới đáp ứng yêu cầu môn học và sự phát triển mạnh mẽ của thời đại hội nhập khu vực và quốc tế.
Nhằm đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, cùng với việc đổi mới phương pháp dạy và học, ngành Giáo dục tỉnh Nam Định đã tổ chức nhiều sân chơi trí tuệ, khơi dậy đam mê khám phá, sáng tạo của học sinh; tạo môi trường cho mọi học sinh có cơ hội được tự khẳng định mình như: Cuộc thi hùng biện tiếng Anh, cuộc thi khoa học kỹ thuật và ngày hội STEM dành cho học sinh Trung học, cuộc thi Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh... Nhờ vậy, nhiều học sinh Nam Định tham dự các các kỳ thi, cuộc thi, hội thi cấp cụm, quốc gia, quốc tế đã đạt được thành tích cao. Năm học 2022 - 2023, tham gia Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học Phổ thông, tỉnh có 73/93 học sinh dự thi đoạt giải; trong đó có 3 giải Nhất, 23 giải Nhì, 25 giải Ba, 22 giải Khuyến khích. Đặc biệt, em Hoàng Tiến Cường (học sinh lớp 12 chuyên Hóa, Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong đã xuất sắc đoạt Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế Abu Reikhan Beruniy lần thứ Nhất năm 2023 do Bộ Giáo dục Uzbekistan tổ chức).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, Nam Định luôn trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Hiện, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới để thực hiện chương trình, phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Quy mô trường, lớp của địa phương đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển sâu rộng, góp phần vào sự nghiệp giáo dục của tỉnh.
Thời gian tới, Nam Định tập trung phát triển năng lực, kỹ năng, phẩm chất cho người học, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; phát triển giáo dục theo hướng mở, hội nhập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Đồng thời, địa phương tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra, đánh giá; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện, tạo nền tảng ổn định để triển khai các hoạt động giáo dục./.