Giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà đạt kết quả thấp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động
Theo Phó Thủ tướng, việc triển khai có nhiều vướng mắc và tốc độ còn chậm, trong khi đó, theo quy định, hạn cuối cùng nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động là ngày 15/8 đã qua.
(TTXVN) Ngày 17/8, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành đánh giá việc thực hiện các gói hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và cho ý kiến vào Đề án huy động nguồn lực cho Chương trình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý, phải bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động.
Theo Phó Thủ tướng, trong gói hỗ trợ giải quyết vấn đề an sinh xã hội và việc làm có gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động với tổng mức hỗ trợ 6.600 tỷ đồng. Sau khi Chính phủ có Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng nhanh chính sách.
Ngày 28/3, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và đến đầu tháng 7/2022, ban hành Quyết định 791/QĐ-TTg để bố trí nguồn vốn thực hiện.
Các địa phương đã tích cực triển khai chính sách này. Tuy nhiên, việc triển khai có nhiều vướng mắc và tốc độ còn chậm, trong khi đó, theo quy định, hạn cuối cùng nhận hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động là ngày 15/8 đã qua.
Chính vì vậy, cuộc họp được tổ chức để nghe Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với tư cách là cơ quan chủ trì, tham mưu, tổ chức thực hiện báo cáo kết quả triển khai, những khó khăn, vướng mắc phát sinh để có đề xuất xử lý tiếp sao cho hiệu quả.
Giải ngân 1.022,3 tỷ đồng
Báo cáo việc triển khai gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay, 60/63 tỉnh có doanh nghiệp, người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ ( hai tỉnh không có đối tượng là Lai Châu và Điện Biên; tỉnh Cao Bằng báo cáo không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ).
Tính đến ngày 15/8, số hồ sơ Ủy ban nhân dân cấp huyện đã tiếp nhận được là 85.736 doanh nghiệp với trên 3,93 triệu lượt lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 2.743,3 tỷ đồng, tương đương với 42,27% so với số kinh phí dự kiến của địa phương.
Kinh phí đề nghị hỗ trợ thấp so với dự kiến kinh phí là do trước đây các địa phương lập dự kiến đối tượng và kinh phí hỗ trợ chưa sát thực tế (dự kiến đối tượng quay trở lại thị trường lao động nhiều hơn thực tế, kinh phí dự kiến hỗ trợ tính đủ 3 tháng tiền thuê nhà nhưng trong thực tế nhiều người lao động chỉ thuê nhà và xin đề nghị hỗ trợ theo số tháng thuê nhà, có thể 1 tháng hoặc 2 tháng).
Trên 41 nghìn doanh nghiệp với trên 2,52 triệu lượt lao động đã được thẩm định hồ sơ, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ, với kinh phí hơn 1.606,9 tỷ đồng. Trên 23,9 nghìn doanh nghiệp với hơn 1,47 triệu lao động đã được giải ngân với số kinh phí 1.022,3 tỷ đồng (đạt 15,75% so với dự kiến).
“Do một số địa phương dự kiến số lượng ban đầu cao hơn thực tế, tính đến thời điểm hiện tại đã giải ngân gần hết đối tượng nhưng tỷ lệ giải ngân so với số dự kiến ban đầu không cao và đã có văn bản điều chỉnh, ví dụ như: Đồng Nai, Hải Dương, Sóc Trăng, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương...”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.
Về kết quả xác nhận người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, ông Lê Văn Thanh cho biết, cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xác nhận hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại 60 tỉnh, thành phố. Số đã xác nhận đến thời điểm 15/8 là 51.936 đơn vị với 4.031.833 lao động, trong đó có 4.027.916 lượt lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà; 3.917 lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Về xác nhận hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xác nhận cho 15.969 đơn vị với 280.739 tại 51 tỉnh, thành phố; trong đó có 273.161 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà; 7.578 lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc/mới được tuyển dụng đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Lý giải nguyên nhân kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm, số lượng hồ sơ tiếp nhận, tiến độ phê duyệt, giải ngân thấp, ông Lê Văn Thanh cho rằng, do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao; chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.
Người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục một lần nên đến tháng 7/2022 hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Người sử dụng lao động sợ bị thanh tra, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Bên cạnh dó, một số người lao động e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú. Nhiều cán bộ, công chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp huyện còn lúng túng, chưa nắm vững chuyên môn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách. Việc bố trí, sử dụng kinh phí để triển khai thực hiện chính sách chậm nên kinh phí hỗ trợ không kịp thời đến được với người lao động.
Ngoài ra, tỷ lệ người nộp hồ sơ, tỷ lệ giải ngân thấp còn do số tỷ lệ được tính trên số rà soát, dự kiến nhu cầu của các địa phương tại thời điểm tháng 5/2022, trong khi đến thời điểm hiện nay, sau khi thực hiện rà soát lại thì số đối tượng được hỗ trợ và nhu cầu kinh phí giảm đi nhiều, ví dụ như Đồng Nai giảm 39,58% (giảm 285 tỷ đồng), Hà Nội giảm tới 56,8%, các tỉnh Hà Tĩnh, Đắk Nông, Hải Dương cũng có giảm...
Gia hạn chính sách trong thời gian nhất định
Trao đổi về vấn đề có nên gia hạn chính sách này hay không, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nêu quan điểm, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội nên cân nhắc. Giả sử không gia hạn mà lỗi không phải của người lao động sẽ gây thắc mắc, không công bằng trong chính sách. Cần nghiên cứu kỹ các yếu tố, nếu do nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, cần xử lý để đảm bảo việc thụ hưởng chính sách hài hòa, cân bằng. Song, việc gia hạn cũng phải có thời hạn nhất định, nguồn tài chính phải trong kế hoạch, dự liệu trước. Nếu gia hạn cũng cần hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ sẽ bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu giải ngân của chương trình. Ông bày tỏ, để xây dựng kế hoạch huy động vốn đáp ứng được các yêu cầu chính xác, khả thi, hiệu quả, đáp ứng tình hình thực tế là “quá khó”. Huy động về nhưng các địa phương triển khai không được như kế hoạch.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cần khảo sát thêm, liệu sau ngày 15/8 có còn người lao động đăng ký hưởng hỗ trợ nữa hay không, để có giải pháp phù hợp. Nếu còn nhiều lao động sẽ phải tính thêm. Nếu người lao động không đề nghị hỗ trợ nữa, có thể chấm dứt việc thực hiện chính sách.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, khi xây dựng gói hỗ trợ đánh giá tình hình không sát, số tiền báo cáo lớn hơn số thực tế. Vấn đề hiện nay là trình tự thủ tục nhiều vướng mắc. Nếu chưa phủ hết các đối tượng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải có ý kiến xử lý ngay, phải linh hoạt, kiểm tra địa phương xem còn đối tượng cần hỗ trợ không. Nguyên nhân chủ quan là ở địa phương, nhưng nguyên nhân khách quan là do ở Trung ương.
Dẫn chứng như Đồng Nai, số kinh phí giảm tới hơn 39%, Phó Thủ tướng cho rằng, giữa số báo cáo để xây dựng gói hỗ trợ với thực tế chi thấp hơn, dù có kéo dài cũng không còn đối tượng. Nếu còn đối tượng trong khoảng thời gian được hưởng, nên mạnh dạn đề xuất.
Phó Thủ tướng chia sẻ với ý kiến của lãnh đạo Bộ Tài chính, cho rằng, làm chính sách rất khó, nhiều đối tượng, nhiều cơ quan tham gia, không thể dự báo chính xác được, nhưng phải làm trách nhiệm, sát tình hình thực tế để triển khai cho thuận lợi. Phải rút kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình, đưa ra một gói hỗ trợ lên tới 6.600 tỷ đồng “mà giải ngân như thế là phản cảm”.
Giải thích, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thanh cho biết, theo báo cáo của các địa phương, số lao động ban đầu báo cáo là 4 triệu người và số tiền hỗ trợ là 7.200 tỷ đồng, nhưng sau khi rà soát lại, con số Bộ đưa ra là 3,4 triệu lao động và số tiền là 5.900 tỷ đồng, dự phòng 700 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nguồn cung đứt gãy lao động rất lớn lúc đó, các địa phương phải tính chuyện giữ chân và thu hút người lao động quay lại thị trường lao động. Sau khi có Quyết định 08/2022/QĐ-TTg, các địa phương rà soát và báo cáo có 3,4 triệu lao động và số tiền là 6.595 tỷ đồng. Trên cơ sở số liệu đã tổng hợp, gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ.
Quá trình thực hiện, số liệu có thấp hơn số báo cáo. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xác nhận cho 4,3 triệu lượt lao động (gồm cả người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người trở lại thị trường lao động), so với số dự kiến của các địa phương là 3,9 triệu, chênh lệch 365 nghìn lao động.
Về số đối tượng còn hay không, ông Thanh cho hay, so với số tiếp nhận của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì còn, nhưng doanh nghiệp có nộp danh sách cho địa phương không, cần thời gian để rà soát, xử lý. Bộ sẽ làm việc các địa phương, tổ chức Công đoàn, tổng hợp số liệu và báo cáo.
Bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động
Nhấn mạnh, chưa có chương trình nào Thủ tướng, Phó Thủ tướng có nhiều văn bản chỉ đạo dày đặc như chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà (3 thông báo, 1 công điện, các bộ cũng có nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn), địa phương vào cuộc đồng bộ, triển khai quyết liệt, chính sách ban hành tương đối sớm, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, đến nay, chương trình được giải ngân còn thấp, mới đạt 1.022/6.606 tỷ đồng và thời hạn đăng ký hưởng hỗ trợ đã hết.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục trao đổi với các địa phương, bộ, ngành xem xét thời gian đăng ký làm thủ tục giải ngân. Chính sách đã rõ, nếu vì bộ, ngành, địa phương làm ảnh hưởng đến việc đăng ký, không giải quyết hết được số đối tượng có nhu cầu thì tính toán, đề xuất xử lý bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động theo chính sách được Quốc hội, Chính phủ thông qua trên tinh thần kéo dài chỉ một thời hạn nhất định. Tiền đã được phân bổ đủ cho gói hỗ trợ này, cần tính toán lại thực tế để nắm bắt tình hình, báo cáo điều chuyển sử dụng nguồn vốn cho hiệu quả.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường trách nhiệm, làm việc với một số địa phương, tập trung chủ yếu ở những nơi có số lượng lao động lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện trong hai năm 2022 - 2023 và đang trong quá trình triển khai. Để có nguồn vốn ổn định đảm bảo cho Chương trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng dự thảo Đề án và tờ trình.
Với đề án huy động nguồn lực, Bộ Tài chính đã có xây dựng dự thảo, tờ trình. Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Tài chính phải tham mưu sát sao, lúc nào huy động, lúc nào sử dụng, nguồn nào để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai kiên quyết, chính xác. Cần xác định nhu cầu từng năm, thậm chí từng quý./.