An sinh

Trà Vinh: Rà soát, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Trà Vinh

Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích bảo hiểm xã hội, nhấn mạnh vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

(TTXVN) Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh Dương Quang Ngọc cho biết, địa phương đang tập trung nhiều giải pháp để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5%; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích bảo hiểm xã hội; trong đó, nhấn mạnh vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước; đề cao quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động trong việc tham gia bảo hiểm.

Tỉnh tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đến nhóm đối tượng là chủ sử dụng lao động, người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình, tỉnh tập trung tuyên truyền đến các nhóm đối tượng là nông dân, phụ nữ, xã viên hợp tác xã, người cận nghèo, học sinh, sinh viên.

Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Bảo hiểm Xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ nhân viên của hệ thống các đại lý thu bảo hiểm xã hội tự nguyện. Hiện nay, mạng lưới đại lý đã được xây dựng khắp các xã, phường, thị trấn tạo thuận lợi cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường thanh tra các đơn vị sử dụng lao động, rà soát số lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội tại các đơn vị có đóng thuế; đối chiếu giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ Sở Kế hoạch và Đầu tư để rà soát những đơn vị chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho lao động, từ đó lập kế hoạch khai thác, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định.

Theo ông Dương Quang Ngọc, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Tỉnh ủy Trà Vinh đã xây dựng Kế hoạch cụ thể với mục tiêu đến năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1%; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, cuối năm 2021, toàn tỉnh chỉ có 84.388 người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 16,78% lực lượng lao động (đạt 47,94% chỉ tiêu kế hoạch); 57.875 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 11,51% lực lượng lao động (đạt 41,11% chỉ tiêu kế hoạch). Riêng bảo hiểm xã hội tự nguyện, toàn tỉnh có 19.433 người tham gia, chiếm 3,86% lực lượng lao động (đạt 386% chỉ tiêu kế hoạch).

Tỷ lệ người dân ở Trà Vinh tham gia bảo hiểm không đạt mục tiêu đề ra do nhiều nguyên nhân. Đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc, việc quản lý nguồn lao động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn nhiều bất cập, khai báo lao động không đầy đủ.

Một số doanh nghiệp có thuê mướn lao động nhưng không kê khai với cơ quan Thuế hoặc kê khai số lượng không đúng thực tế gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng với người lao động là hợp đồng học việc, hợp đồng theo mùa vụ, công việc khoán… để không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng dịch COVID-19 thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh, dẫn đến việc phải cắt giảm lao động. Cùng với đó, số người làm công tác tuyên truyền chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nên dẫn đến tuyên truyền không đầy đủ, chi tiết, chưa thuyết phục được người dân tham gia bảo hiểm./.

Thanh Hòa

Xem thêm