Sáng 12/8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
(TTXVN) Sáng 12/8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, đến nay, 60/63 tỉnh (trong đó, hai tỉnh không có đối tượng: Lai Châu và Điện Biên; tỉnh Cao Bằng báo cáo tính đến thời điểm ngày 10/8/2022 không có doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ) có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ.
Theo đó, số hồ sơ Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận được là 61.084 doanh nghiệp với hơn 3 triệu lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 2.130 tỷ đồng (tương đương với 32,8 % so với số kinh phí dự kiến của địa phương).
Số hồ sơ đã được thẩm định, có quyết định phê duyệt danh sách và số tiền hỗ trợ gồm 32.106 doanh nghiệp với hơn 2 triệu lao động, kinh phí gần 1.314,5 tỷ đồng (tương đương với 61,7 % so với số kinh phí đề nghị).
Số hồ sơ đã được giải ngân là 17.627 doanh nghiệp với hơn 1,1 triệu lao động, hơn 787,9 tỷ đồng (đạt 12,14% so với dự kiến).
Hiện nay, 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân là Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.
Cũng theo Báo cáo, do một số địa phương dự kiến số lượng ban đầu cao hơn thực tế nên tính đến thời điểm hiện tại đã giải ngân gần hết đối tượng nhưng tỷ lệ giải ngân so với số dự kiến ban đầu không cao và đã có văn bản điều chỉnh như: Đồng Nai, Hải Dương, Sóc Trăng…
Các địa phương đã phê duyệt kinh phí và giải ngân hỗ trợ nhiều người lao động nhất hiện nay là Đồng Nai với 211 tỷ đồng, đạt 29,3%; Bình Dương với 85 tỷ đồng, đạt 6,16%; Thành phố Hồ Chí Minh 139,15 tỷ đồng, đạt 7,83%; Hà Nội với 95,61 tỷ đồng, đạt 24,79%.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm như: An Giang với 342 tỷ đồng, đạt 0,36%; Bình Định 319,5 tỷ đồng, đạt 0,47%; Nghệ An 369 tỷ đồng, đạt 0,95%. Nhiều địa phương cũng có tỷ lệ giải ngân thấp như: Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm, số lượng hồ sơ tiếp nhận, tiến độ phê duyệt, giải ngân thấp. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao; chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm; công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời.
Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa nhưng trong thực hiện tại một số địa phương, người sử dụng lao động yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú,…; kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ để xác minh tình trạng cư trú của người lao động.
Người sử dụng lao động lập và gửi hồ sơ đề nghị muộn do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần nên đến tháng 7/2022 hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Người sử dụng lao động sợ bị thanh tra, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Một số người lao động còn e ngại khi lập đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ gặp khó khăn trong việc cư trú vì liên quan đến việc đăng ký tạm vắng, tạm trú.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sơn La Nguyễn Tuấn Anh cho biết nguyên nhân chậm trễ giải ngân gói hỗ trợ là doanh nghiệp chọn hình thức nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ 1 lần theo Khoản 3, Điều 7 của Quyết định 08. Tính đến sáng 12/8, Sơn La vẫn là một trong bốn địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, nhiều địa phương có số lượng người cần hỗ trợ, số lượng hồ sơ kiểm duyệt, số lượng hồ sơ tiếp nhận chưa cao. Trong đó, 10 tỉnh có tỷ lệ giải ngân tiền hỗ trợ cho người lao động rất thấp, từ 1-2%. Bốn địa phương chưa giải ngân cho người lao động.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này do các địa phương chưa nhận thức đúng vấn đề, còn thờ ơ với chính sách. Các địa phương coi việc hỗ trợ này là trách nhiệm của riêng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp nên chưa tập trung chỉ đạo.
"Một số nơi phát sinh những thủ tục không đúng theo quy định như yêu cầu phải xuất trình giấy phép kinh doanh, đăng ký tạm trú, tạm vắng, có nơi phải thông qua Hội đồng nhân dân danh sách này", ông Đào Ngọc Dung nói.
Điều này đã vô hình trung đang gây khó khăn cho người sử dụng lao động và người lao động tiếp nhận nhận sách. Bên cạnh đó, nhiều nơi kéo dài thời gian phê duyệt hồ sơ trong quy định. Có doanh nghiệp phản ánh nộp hồ sơ một tháng nhưng chưa thấy tiền giải ngân đến tay người lao động.
Bộ trưởng nêu ra một lý do của việc giải ngân chậm là một số địa phương sợ trách nhiệm, sợ sai. "Tôi đề nghị các địa phương đã làm tốt tập trung tuyên truyền về tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Những trường hợp chưa nộp hồ sơ phải nộp trước ngày 15/8. Sau ngày 15/8, những hồ sơ đó không có giá trị để được hỗ trợ lao động", ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu, những hồ sơ đã tiếp nhận phải khẩn trương phê duyệt, thẩm định phê duyệt. Hồ sơ đã phê duyệt ngay lập tức phải chi tiền cho người lao động và người sử dụng lao động theo quy định. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ phải xong trước ngày 15/8; việc giải ngân chậm nhất là ngày 30/8. Các tỉnh có tỷ lệ giải ngân lớn cần phấn đấu từ ngày 20-25/8 hoàn thành việc hỗ trợ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức các Đoàn kiểm tra thực hiện việc này; trước mắt là kiểm tra tiến độ thực hiện về hồ sơ phê duyệt, quy trình phê duyệt./.
- Từ khóa:
- Bảo hiểm xã hội
- bảo hiểm y tế