Việc dự báo xu hướng phát triển và đánh giá các yếu tố tác động ở vùng biên giới đất liền của nước ta hiện nay có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn quan trọng, góp phần vào việc đảm bảo an ninh, chính trị, từ đó ổn định và phát triển của vùng biên giới đất liền Việt Nam trong giai đoạn tới
Trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Nghiên cứu tổng thể vùng biên giới đất liền ở Việt Nam góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị trong điều kiện hiện nay”, sáng 12/9, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm Chương trình tổ chức Hội thảo khoa học “An ninh phi truyền thống vùng biên giới đất liền ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành và triển khai một số Nghị quyết quan trọng liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh và phát triển vùng biên giới theo hướng bền vững. Đáng chú ý là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 23/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền…Bên cạnh đó, còn có các Hiệp định ký kết với các nước láng giềng như: Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào...
Trong bối cảnh như vậy, việc nhận diện đúng, đầy đủ thực trạng và hiểu rõ hơn bản chất của các vấn đề an ninh phi truyền thống đang nổi lên cũng như dự báo xu hướng phát triển và đánh giá các yếu tố tác động ở vùng biên giới đất liền của nước ta hiện nay có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn quan trọng, góp phần vào việc đảm bảo an ninh, chính trị, từ đó ổn định và phát triển của vùng biên giới đất liền Việt Nam trong giai đoạn tới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chu Văn Tuấn nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các diễn giả đã đề cập đến một số vấn đề lý luận, thực tiễn về an ninh phi truyền thống vùng biên giới đất liền chính như: Thực trạng các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống (kinh tế, con người và môi trường..); thực trạng các mối quan hệ dân tộc vùng biên giới và quan hệ dân tộc xuyên quốc gia; các quan hệ giữa các quốc gia láng giềng và gợi ý bài học cho Việt Nam….Các diễn giả cũng tập trung phân tích nguyên nhân cho những trường hợp an ninh phi truyền thống bị đe dọa, các thách thức đang đặt ra và từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đảm bảo an ninh phi truyền thống ở vùng biên giới đất liền Việt Nam.
Trình bày một số vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh phi truyền thống khu vực biên giới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Huy, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết, khu vực biên giới đất liền Việt Nam đang phải đối điện với các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng, trong đó có vấn đề an ninh con người, vấn đề tội phạm xuyên biên giới cũng như an ninh môi trường... Việc giải quyết các thách thức phi truyền thống khu vực biên giới khó khăn hơn rất nhiều so với những khu vực trong nội địa bởi tính chất nhạy cảm về mặt an ninh quốc gia, cũng như việc hợp tác quốc tế với các quốc gia có chung đường biên giới.
Đánh giá an ninh môi trường rừng khu vực biên giới vùng Tây Nguyên, theo Tiến sỹ Trần Thị Tuyết, Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, qua phân tích thực trạng môi trường rừng cho thấy, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng môi trường rừng vẫn còn nhiều thách thức do một số nguyên nhân; cụ thể là sinh kế phụ thuộc vào rừng còn nhiều khó khăn, một số giải pháp kinh tế - xã hội chưa phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Do đó, mặc dù diện tích rừng có tăng (trên 2 triệu ha, chiếm khoảng 44% tổng diện tích tự nhiên của các địa phương khu vực biên giới) nhưng chất lượng rừng chưa đáp ứng yêu cầu; nhất là khi người dân địa phương chưa được hưởng lợi nhiều từ các sản phẩm từ rừng và vẫn coi sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên rừng là nghề phụ, dẫn đến tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn, diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.
Để đảm bảo an ninh môi trường rừng gắn với đảm bảo phát triển và sinh kế bền vững cho người dân địa phương, Tiến sỹ Trần Thị Tuyết đề xuất cần phải tập trung và phát huy sức mạnh xã hội, cần có các biện pháp tổ chức phù hợp, chính sách linh hoạt trong hoàn cảnh quốc gia và quốc tế nhằm khuyến khích và thu hút các bên liên quan trong xã hội tham gia vào công tác quản lý và phát triển bảo vệ rừng. Đây là cách duy nhất để đảm bảo an ninh môi trường của vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung trong tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước./.