Các đại biểu thống nhất cho rằng bảo tồn đa dạng sinh học biển là nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế biển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với áp lực gia tăng về môi trường, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ngày 17/7, tại Ninh Bình, Viện Địa lý Nhân văn và Phát triển bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Đa dạng sinh học biển Việt Nam và các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học biển”, nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp mới trong bảo vệ tài nguyên biển phục vụ phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Phạm Thị Trầm, Phó Viện trưởng Viện Địa lý Nhân văn và Phát triển bền vững nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới với khoảng 11.000 loài sinh vật phân bố trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình. Tuy nhiên, đa dạng sinh học biển đang chịu nhiều sức ép như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khai thác và nuôi trồng thủy sản không bền vững. Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, tăng cường năng lực cán bộ quản lý, nâng cao nhận thức cộng đồng và mở rộng mạng lưới khu bảo tồn biển.
Tiến sỹ Phạm Thị Trầm cho biết, Việt Nam hiện đã đưa vào vận hành 11 khu bảo tồn biển trên tổng số 16 khu theo quy hoạch. Mục tiêu đến năm 2030 là mở rộng diện tích bảo tồn biển đạt khoảng 6% diện tích vùng biển tự nhiên. Một giải pháp quan trọng đang được đề xuất là xây dựng hệ thống khu bảo tồn biển di động MMPA (Mobile Marine Protected Area) để bổ sung linh hoạt cho các khu bảo tồn cố định tại các vùng biển ngoài khơi. Ngoài ra, cần lồng ghép nội dung hệ thống khu bảo tồn biển di động MMPA vào chính sách pháp luật quốc gia và kiến nghị đưa mô hình này thành giải pháp trong Công ước mới của Liên hợp quốc về bảo tồn đa dạng sinh học biển ngoài vùng tài phán quốc gia.
Phân tích thực tiễn tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Ninh Bình), ông Vũ Quốc Đạt, Phó Giám đốc Vườn quốc gia cho biết, khu vực cửa sông Hồng này là một trong những vùng đất ngập nước tiêu biểu với hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều, vùng nuôi trồng thủy sản và đầm lầy rộng lớn. Vườn hiện là nơi cư trú và dừng chân của hàng trăm loài chim nước, trong đó có nhiều loài quý hiếm như rẽ mỏ thìa, cò thìa, vịt đầu đen… cùng hơn 1.600 loài sinh vật các nhóm khác nhau. Tuy nhiên, Đa dạng sinh học tại đây đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi khai thác trái phép, ô nhiễm từ hoạt động nuôi tôm, nuôi ngao, biến đổi khí hậu và sự xâm lấn của loài ngoại lai. Trong khi đó, năng lực quản lý còn hạn chế cả về nhân lực, tài chính và quyền hạn pháp lý. Để bảo tồn hiệu quả, ông Vũ Quốc Đạt kiến nghị cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng đệm, tăng cường pháp chế cho Ban quản lý Vườn, đầu tư các mô hình sinh kế bền vững như nuôi ong, trồng nấm, du lịch sinh thái; mở rộng hợp tác quốc tế; xây dựng mạng lưới quan trắc đa dạng sinh học; và đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nhằm thay đổi hành vi ứng xử với thiên nhiên.
Chia sẻ bài học từ mô hình thực tiễn, đại diện nhóm nghiên cứu của Hội Nông dân xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng kiến “Tổ cộng đồng bảo tồn và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm” đã góp phần quan trọng vào việc phục hồi quần thể cua đá tự nhiên. Từ năm 2012, cộng đồng địa phương đã thành lập đội giám sát khai thác theo mùa vụ, kích cỡ và khu vực được phép; tổ chức tập huấn, tuyên truyền và áp dụng dán nhãn sinh thái vào sản phẩm. Kết quả đến nay, khoảng 75% số lượng cua đá tự nhiên hàng năm được duy trì ổn định, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, tạo thêm thu nhập cho người dân. Đại diện Hội Nông dân đề xuất nhân rộng mô hình này tại các khu vực có tiềm năng tương tự, đồng thời kiến nghị các cơ quan quản lý cần ban hành chính sách hỗ trợ công nhận và bảo vệ các mô hình cộng đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên; cần có các chương trình nghiên cứu bổ sung về nguồn gen, sinh thái học loài và thị trường để xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ khai thác, bảo tồn, du lịch.
Một mô hình khác được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Núi Thành (Quảng Nam) giới thiệu là bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô tại xã đảo Tam Hải. Với tổng diện tích bảo tồn hơn 1.700 ha, trong đó có 13 ha vùng lõi, địa phương đã tổ chức 3 tổ cộng đồng quản lý rạn san hô, xây dựng quy chế khai thác, lịch thời vụ và kết hợp phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Đáng chú ý, mô hình này đã thu hút sự tham gia rộng rãi của chính quyền, bộ đội biên phòng, doanh nghiệp và người dân, góp phần đảm bảo sinh kế cho hơn 90% dân cư làm nghề biển tại địa phương. Đại diện nhóm thực hiện nhấn mạnh, để mô hình được duy trì lâu dài, cần có cơ chế tài chính bền vững, hỗ trợ vốn vay, nhân lực truyền thông và nâng cao nhận thức. Đồng thời, cần tăng cường chia sẻ thông tin, xây dựng mạng lưới giữa các mô hình bảo tồn biển cộng đồng trên cả nước nhằm trao đổi kinh nghiệm và thống nhất hướng dẫn kỹ thuật phù hợp với điều kiện bản địa.
Các đại biểu thống nhất cho rằng bảo tồn đa dạng sinh học biển là nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế biển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với áp lực gia tăng về môi trường, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế sâu rộng. Để đạt mục tiêu bảo tồn diện rộng đến năm 2030, cần triển khai đồng bộ các giải pháp gồm hoàn thiện khung pháp lý và chính sách đầu tư cho khu bảo tồn biển; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành và giữa Trung ương với địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa và ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển hệ thống bảo tồn biển di động; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và cộng đồng; kết nối các mô hình hiệu quả trong nước với mạng lưới bảo tồn quốc tế. Quan trọng hơn, cần coi cộng đồng là trung tâm của mọi hoạt động bảo tồn, để mỗi người dân ven biển trở thành một “người gác biển” thực sự./.