Việc nhập phế liệu nhựa giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên toàn cầu, đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất.
TTXVN - Ngày 25/1, tại Hà Nội, Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Đại học Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm "Phế liệu nhựa nhập khẩu". Sự kiện có sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam, đại diện lãnh đạo và đông đảo sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Quách Thị Xuân, Trưởng Đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam cho biết, việc tái chế giúp nhựa được lưu thông nhiều hơn trong nền kinh tế nhưng quá trình tái chế tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo các chuyên gia môi trường, việc xử lý phế liệu nhựa nhập khẩu có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường do phế liệu nhựa chứa các hóa chất độc hại; đồng thời tạo ra áp lực lớn đối với quá trình tái chế và xử lý chúng một cách an toàn, hiệu quả.
Bà Quách Thị Xuân cho biết, thống kê của Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam cho thấy, chỉ 60% phế liệu nhựa nhập về có thể được tái chế, 40% còn lại bị thải ra ngoài môi trường. Một số ý kiến cho rằng, mặc dù phế liệu nhập nhựa có thể mang lại lợi ích ngắn hạn về nguyên liệu sản xuất, giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề lớn về môi trường, sức khỏe và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc nhập phế liệu nhựa giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên toàn cầu, đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu tái chế quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất.
Chia sẻ về quá trình thực hiện bộ phim tài liệu "Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu" đã công chiếu tại Tọa đàm, Đạo diễn - Nghệ sỹ Ưu tú Nguyễn Tài Văn cho biết, anh xây dựng kịch bản và triển khai bộ phim từ tháng 6/2023. Phim được thực hiện trong hơn 2 tháng. Trong quá trình tác nghiệp, ám ảnh nhất với anh và đồng nghiệp là khi ghi hình những người nhặt rác tại bãi rác Xuân Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) hay ngôi làng tái chế nhựa lớn nhất miền Bắc ở thôn Minh Khai (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên).
Bộ phim phản ánh "đường đi" đối với rác thải nhựa nhập khẩu vào Việt Nam. Từ những chuyến nhập khẩu phế liệu ở các nước "đổ" vào Việt Nam và len lỏi vào các công đoạn sản xuất đồ dùng tái chế cho người dân sử dụng, lại đến với những bãi rác, tiếp tục trở thành rác thải nhựa. "Đường đi" này là một vòng tròn khép kín, gây nên nhiều hậu quả đối với môi trường, sức khỏe của con người. Qua đó, ê - kíp làm phim mong muốn ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu và tuyên truyền để tiến tới ngừng nhập khẩu phế liệu nhựa.
Thông điệp của bộ phim "Hướng đi của phế liệu nhựa nhập khẩu" cũng là chủ đề được bàn luận sôi nổi tại sự kiện. Các chuyên gia đã đưa ra những quan điểm đa chiều về việc nhập khẩu phế liệu nhựa.
Trao đổi tại sự kiện các chuyên gia thống nhất cần có cách tiếp cận thông minh và bền vững hơn trong việc nhập khẩu, tái chế phế liệu nhựa, đồng thời tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với quá trình nhập khẩu này. Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng cân phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo việc nhập khẩu phế liệu nhựa được giảm dần và thay thế bởi phế liệu nhựa trong nước. Đây là một bước quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và chia sẻ thông tin về vấn đề tái chế phế liệu nhựa, khuyến khích hành động bền vững để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc nhập khẩu rác thải nhựa. Mặc dù đã có các nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng nhựa và xử lý rác thải nhựa nội địa nhưng nhu cầu tiêu thụ và tái chế nhựa vẫn lớn và ngày càng tăng cao. Điều này đã dẫn đến việc Việt Nam trở thành một trong những điểm đến chính cho việc nhập khẩu rác thải nhựa từ các quốc gia phát triển. Sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu rác thải nhựa đã gây ra nhiều hậu quả xấu, bao gồm tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái nơi chúng được xử lý. Một số lượng lớn rác thải nhựa nhập khẩu thường chứa các thành phần không rõ nguồn gốc và lẫn nhiều tạp chất, điều này làm gia tăng khó khăn trong việc quản lý và xử lý chúng một cách hiệu quả./.
- Từ khóa:
- nhập khẩu
- phế liệu nhựa
- môi trường