Ngành Du lịch Hòa Bình nói chung, huyện Mai Châu nói riêng đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
TTXVN - Hai xã Hang Kia và Pà Cò thuộc huyện vùng cao Mai Châu (Hòa Bình) được biết đến là địa bàn sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc Mông, với nét văn hóa được giữ gìn và phát triển nhiều đời nay. Người dân duy trì nghề truyền thống như: Dệt thủ công, thêu thùa thổ cẩm, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nghề rèn… Đặc biệt, người Mông luôn ý thức gìn giữ, bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc mình.
Những năm gần đây, do thương mại hóa, dịch vụ kinh doanh du lịch phát triển, nhu cầu mua bán sản phẩm đặc trưng để làm quà lưu niệm của du khách... dẫn tới trang phục của người Mông bị trà trộn, mai một. Từ đó, ngành Du lịch Hòa Bình nói chung, huyện Mai Châu nói riêng đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần tạo sức hút cho phát triển du lịch địa phương một cách bền vững.
Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, kiểm kê tại huyện Mai Châu về di sản văn hóa trang phục truyền thống dân tộc Mông cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch ở xã Hang Kia và Pà Cò những năm gần đây đã kéo theo sự thay đổi về trang phục truyền thống. Hiện nay, bên cạnh trang phục truyền thống, đã bắt đầu xuất hiện những trang phục bán sẵn, các hoa văn in và thêu bằng máy móc. Trang phục Mông manh mún xuất hiện tính thương mại hóa, sai lệch về kiểu dáng, họa tiết so với trang phục truyền thống của người dân bản địa.
Theo bà Bùi Thị Niềm, trước thực trạng trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hòa Bình đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục dân tộc Mông. Lựa chọn danh mục tiêu biểu, đặc sắc về di sản văn hóa phi vật thể về trang phục dân tộc Mông để xây dựng hồ sơ di sản văn hóa đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết trang phục nam, nữ người Mông nơi đây có nét đặc trưng riêng. Với trang phục nam giới, màu sắc chủ đạo là màu đỏ được trang trí trên nền vải lanh nhuộm chàm. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trang phục nam “tro dờ” có tay áo dài, thân áo được may ngắn hở từ 8 đến 10 cm bụng... Quần nam “tri” được may từ vải lanh. Quần được may dáng rộng ống xòe, được ghép từ 4 mảnh vải to gọi là “trê tri” tạo thành phần thân ống quần, một mảnh vải vuông gọi là “tàu tri” làm đũng quần và một mảnh làm cạp quần. Trên trang phục có dây buộc thắt lưng dùng để buộc trên phần cạp quần, khi buộc để hai đầu dây dài khoảng 30 cm ở giữa trước bụng.
Với trang phục nữ giới có váy, áo, yếm, xà cạp, thắt lưng. Váy hình nón cụt, xếp nếp, xòe rộng, được làm từ vải lanh nhuộm chàm. Váy gồm cạp váy, dưới phần cạp hông, thân váy và chân váy... Xen kẽ các phần vẽ sáp ong ở thân váy, trang trí thêm các phần đắp ghép hoa vải chủ yếu là hình vuông, hình quả trám. Phần chân váy được thêu theo kiểu chữ thập với các họa tiết hoa văn, mặt trời sinh động. Đồ trang sức cổ truyền của người Mông Mai Châu chủ yếu làm bằng bạc, đến nay còn sử dụng thêm đồ trang sức bằng hợp kim nhôm, kẽm, đồng gồm: khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn... Màu truyền thống của người Mông có 5 màu: chàm sẫm thành đen, đỏ, vàng, trắng, xanh lơ. Điểm dễ nhận thấy là trên nền vải dân tộc Mông màu đỏ giữ vai trò chủ đạo.
Nghệ thuật tạo hình dân gian khiến trang phục thổ cẩm phụ nữ Mông nổi bật trong sắc màu thiên nhiên núi rừng. Qua đó, thể hiện được sự cần cù, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ, đồng thời phản ánh những giá trị văn hóa, thẩm mỹ, góp phần tạo thêm sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa, nghệ thuật, tinh thần của người Mông huyện Mai Châu.
Chị Đoàn Hương Giang, khách du lịch đến từ Hà Nội chia sẻ, Mai Châu là điểm đến du lịch lý tưởng cả về khí hậu, cảnh quan, con người và văn hóa... nhưng ngành Văn hóa tỉnh Hòa Bình chưa khai thác hiệu quả những lợi thế này. Các giá trị văn hóa cần phải được quan tâm, bảo tồn có trách nhiệm. Như việc trang phục người Mông được may sẵn bày bán ở chợ, các điểm du lịch cần phải dừng lại và loại bỏ. Việc này dẫn đến việc mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của người dân, số người lưu giữ nghề truyền thống sẽ dần bị mất đi, không có tính kế thừa tiếp nối.
Bà Hà Thị Hòa, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mai Châu cho biết, cùng với ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, gắn việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với phát triển du lịch. Huyện ủy Mai Châu đã ban hành Nghị quyết, chính sách nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hàng năm, địa phương đều tổ chức hoạt động các lễ hội, đặc biệt là lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông được tổ chức hàng năm. Huyện duy trì hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá nét độc đáo chợ phiên, vừa tạo điểm đến thu hút khách thăm quan, trải nghiệm văn hóa đa sắc màu.
Bên cạnh việc phát triển du lịch nhằm tạo nguồn phát triển kinh tế cho địa phương, huyện Mai Châu cần tăng cường mở các lớp tập huấn về xây dựng mô hình làm du lịch bền vững, phát huy giá trị, tích cực lan tỏa nét đẹp văn hóa độc đáo đặc trưng gắn với phát triển du lịch bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng vùng, địa bàn. Có như vậy, Hòa Bình mới thu hút được nhiều du khách đến với địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa lưu truyền cho các thế hệ mai sau./.