Kể cả 3 điểm mới được công nhận này, Đồng bằng sông Cửu Long đã có 37 điểm du lịch tiêu biểu.
TTXVN - Ngày 23/2, tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và đề ra phương hương nhiệm vụ năm 2023 của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ở tỉnh Trà Vinh, Hiệp hội đã công bố, trao quyết định công nhận ba điểm du lịch tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh Trà Vinh có hai điểm gồm: Khu Di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Long Đức, thành phố Trà Vinh) và Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành). Thành phố Cần Thơ có điểm Đền Vua Hùng. Như vậy, hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long có 37 điểm du lịch tiêu biểu.
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị các địa phương trong vùng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các điểm du lịch tiêu biểu để thu hút du khách. Các điểm du lịch tiêu biểu cần được xây dựng thật sự an toàn, thân thiện và chất lượng, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Các điểm này được ưu tiên quảng bá thương hiệu trên trang web và các ấn phẩm của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; được tham gia các hoạt động liên kết, hợp tác và xúc tiến, quảng bá du lịch trong, ngoài nước.
Cũng tại Hội nghị, hội viên Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thống nhất năm 2023 tiếp tục khắc phục khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ; trong đó, chú trọng các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 13 tỉnh, thành phố và Thành phố Hồ Chí Minh; duy trì và phát triển các mối liên kết, hợp tác với các Trung tâm du lịch cả nước, nhất là thị trường Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên.
Cùng với đó, Hiệp hội đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng kế hoạch cụ thể chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch. Theo kế hoạch, Hiệp hội sẽ thực hiện một chương trình xúc tiến ở Nhật Bản, đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức các đoàn Famtrip (du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) để giới thiệu các sản phẩm du lịch, các điểm du lịch tiêu biểu trong khu vực; tăng cường quảng bá hình ảnh, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Năm 2023, Hiệp hội đề ra nhiệm vụ hoàn thiện Đề án nâng cấp Cổng thông tin điện tử của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long để nâng cao hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; vận động doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hoạt động trên website, các ấn phẩm du lịch, đồng thời tăng cường kết nối website với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, doanh nghiệp du lịch… nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiệp hội triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở lĩnh vực du lịch. Các địa phương phối hợp với các trường, trung tâm đào tạo nghề du lịch đẩy mạnh đào tạo nghiệp vụ du lịch dài hạn, ngắn hạn, bổ sung nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp du lịch.
Năm 2022, du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Tổng lượng khách đạt trên 37,5 triệu lượt, tăng 238,45% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế 526.100 lượt, tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ. Doanh thu ngành Du lịch trong khu vực đạt trên 32.078 tỷ đồng, tăng hơn 2,3 lần với cùng kỳ năm 2021.
Dịp này, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tặng Giấy khen 20 tập thể và 16 cá nhân có nhiều góp trong lĩnh vực du lịch./.