Văn hóa

Gìn giữ và phát huy nghệ thuật cải lương bên dòng Vàm Cỏ

Tây Ninh

Trong hành trình phát triển mới, Tây Ninh đang nỗ lực giữ gìn, kế thừa và lan tỏa tinh hoa cải lương đến với đông đảo quần chúng nhân dân.

Sau khi hợp nhất, tỉnh Tây Ninh mới có dòng Vàm Cỏ Đông chảy xuyên suốt từ Tây Ninh xuống miền đất Long An xưa. Không chỉ là dòng chảy của phù sa, dòng Vàm Cỏ ấy còn chở theo cả hồn cốt nghệ thuật cải lương - một trong những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Trong hành trình phát triển mới, Tây Ninh đang nỗ lực giữ gìn, kế thừa và lan tỏa tinh hoa cải lương đến với đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Tây Nam.

Một cảnh trong vở diễn Người con của rừng tràm của Đoàn Cải lương Long An.
Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN 

* Từ ánh đèn sân khấu lớn đến sân khấu giữa lòng dân

Nhớ về một thời vàng son của cải lương, Nghệ sĩ Ưu tú Đoàn Dự - nguyên Phó trưởng Đoàn Cải lương Long An cho biết: “Từ năm 1982 - 1994, cải lương còn rất thịnh hành, đi diễn từ Nam ra Bắc, xuyên suốt cả năm, doanh thu tốt lắm. Từ năm 1994 trở đi, vé bán bắt đầu ít đi. Lúc đó, tỉnh định hướng lại, ưu tiên phục vụ vùng sâu, vùng xa".

Không còn ánh đèn rực rỡ, không còn rạp hát khang trang, các nghệ sĩ mang sân khấu đến với đồng bào, từ sân bóng, bãi đất trống đến ruộng mùa khô. Những chuyến lưu diễn bằng ghe, tàu, có khi kéo dài vài tháng, xuyên qua các xã vùng sâu, vùng xa mang theo đó là cả dụng cụ sân khấu để dựng ngoài trời.

Lần đầu tiên chuyển từ bán vé sang phục vụ, không có doanh thu, nên thu nhập của nghệ sĩ cải lương theo đó cũng không còn cao, chỉ còn lương tháng của cán bộ nhà nước. Những nghệ sĩ lúc bấy giờ chọn ở lại là những người yêu nghề với tinh thần lạc quan. Cùng với tinh thần phục vụ vùng sâu, vùng xa, phục vụ quần chúng, sống và diễn cùng nhân dân trở thành niềm động viên lớn của nghệ sĩ cải lương lúc đó. Dù thu nhập thấp, điều kiện đi diễn vất vả, nhưng nghệ sĩ vẫn gắn bó vì lòng yêu nghề và tình cảm sâu đậm từ khán giả.

“Dân đến xem rất đông. Người ta mến mình, coi hát xong còn mời về nhà ăn cơm. Đó là tình cảm lớn lao mà nghệ sĩ nhận được - đúng nghĩa phục vụ quần chúng” - Nghệ sĩ Ưu tú Đoàn Dự bồi hồi nhớ lại.

Trong dòng chảy thăng trầm của cải lương Long An, Vương Tuấn nổi bật là người nghệ sĩ tận tụy, gắn bó với nghề từ năm 1988 đến nay. Anh là nghệ sĩ ca duy nhất còn hoạt động xuyên suốt cùng Đoàn nghệ thuật cải lương Long An trong suốt hơn 37 năm qua.

Năm 1989, khi hai đoàn cải lương Long An I và II sáp nhập thành một lấy tên Đoàn cải lương Long An, Vương Tuấn được chọn là thế hệ kép trẻ. Đến năm 1994, anh trở thành kép chính và giữ vị trí này cho đến hôm nay. “Tôi may mắn được làm việc trong môi trường tốt, có các bậc thầy như cố Nghệ sĩ Nhân dân Huỳnh Nga, Nghệ sĩ Ưu tú Hữu Lộc, ông Tám Kỳ… dạy dỗ từng chút một” anh Vương Tuấn chia sẻ.

Được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào năm 2023, Vương Tuấn là minh chứng cho một đời gắn bó hết mình với nghệ thuật cải lương. Từ Nam ra Bắc, theo chân đoàn đi khắp vùng biên giới, miền Trung, vùng sâu vùng xa, anh đều hết lòng phục vụ đồng bào, chiến sỹ.

* Đoàn cải lương Vàm Cỏ: Lan tỏa trên vùng đất mới

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Đoàn cải lương Long An ghi dấu với rất nhiều thành tích. Gần đây nhất, tại Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2024, Đoàn đoạt 3 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc. Trong đó, vở diễn "Người con của rừng tràm" là một trong bốn tác phẩm xuất sắc nhất toàn quốc, được trao Huy chương Vàng. Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Đợi và nghệ sĩ Ngân Cường đoạt Huy chương Vàng dành cho diễn viên. Nghệ sĩ Ưu tú Vương Tuấn, nghệ sĩ Thu Mỹ và nghệ sĩ Phú Yên đoạt Huy chương Bạc.

Nghệ sĩ ưu tú Đoàn Dự kể về lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lượng.
Ảnh: Đức Hạnh - TTXVN 

"Người con của rừng tràm" lấy ý tưởng từ nhân vật lịch sử Trương Văn Bang và chiến thắng Láng Le - Bàu Cò, do ông Trương Văn Bang tham gia chỉ huy vào năm 1948. Vở diễn do nhà văn Nguyễn Toàn Thắng viết kịch bản, Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương; Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên và Nghệ sĩ Nhân dân Hồ Ngọc Trinh là đạo diễn.

Trong 2 lần Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018 và 2022, Đoàn nghệ thuật cải lương Long An cũng đoạt Huy chương Vàng với vở "Cuộc đời của mẹ" và vở diễn xuất sắc với vở "Bên dòng Long Khốt".

Sau khi hợp nhất 2 tỉnh Long An và Tây Ninh, Đoàn cải lương Long An được đổi tên thành Đoàn cải lương Vàm Cỏ. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Tây Ninh Nguyễn Tấn Quốc cho biết: “Tên gọi Đoàn cải lương Vàm Cỏ không chỉ đơn thuần là đặt theo tên con sông, mà là sự kết nối giữa hai vùng đất Tây Ninh - Long An về mặt lịch sử, thơ ca, nghệ thuật.”

Với địa bàn rộng hơn, Đoàn cải lương Vàm Cỏ sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới Tây Nam của tỉnh Tây Ninh - có đường biên giới với Campuchia dài hơn 356km. Tây Ninh tiếp tục đưa sân khấu cải lương về với nhân dân, nâng cao chất lượng vở diễn, đào tạo nghệ sĩ trẻ và khẳng định vị trí trong các kỳ liên hoan toàn quốc./.

Đức Hạnh

Xem thêm