Ngày 18/7, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Văn Lang tổ chức Chương trình giao lưu văn chương Việt - Hàn năm 2025.
Chia sẻ tại chương trình, bà Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời đại kết nối toàn cầu, không gian sáng tạo và không gian thưởng ngoạn ngày càng mở rộng, việc tổ chức những sự kiện giao lưu giữa người sáng tác văn chương, nhà phê bình văn học, dịch giả văn học của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung với các nhà văn Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác là hoạt động cần thiết, góp phần quảng bá văn học Thành phố, văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại.
“Quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa không chỉ tạo điều kiện để các nhà văn, tác giả gặp gỡ, chia sẻ, mà còn mở ra cơ hội để họ thêm gần gũi, gắn kết thông qua những tác phẩm văn học mang đậm giá trị nhân văn. Qua mỗi số phận con người, mỗi vẻ đẹp tâm hồn được thể hiện trong trang viết, các quốc gia có thể tìm thấy điểm chung trong các giá trị cốt lõi, cùng nhau tôn trọng, thấu hiểu và sáng tạo vì mục tiêu phát triển dân tộc, hiện đại và bền vững”, bà Trịnh Bích Ngân nói.
Tại chương trình, các nhà thơ Nguyễn Khánh Chi, Lê Thiếu Nhơn, dịch giả Hiền Nguyễn và nhà thơ Ra Hee Duk đến từ Hàn Quốc đã có những chia sẻ về thơ ca cùng môi trường sáng tác của các nhà thơ giữa hai nước.
Theo nhà thơ Ra Hee Duk, cô từng có dịp đến Việt Nam 4 lần và đây là lần thứ hai trở lại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, cô có cơ hội giao lưu với nhiều nhà văn, trong đó có nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, một gương mặt văn chương nổi bật, góp phần giúp cô hiểu thêm về văn học và con người Việt Nam. “Mỗi lần đặt chân đến dải đất hình chữ S đều mang đến cho tôi những cảm xúc sâu lắng, chân thành và đầy rung động. Chính những cảm xúc ấy đã khơi nguồn cho những sáng tác thơ của tôi, từ những bài thơ viết về nỗi đau chiến tranh, đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong đời sống thường nhật, mạnh mẽ, tảo tần và giàu đức hy sinh”, nhà thơ Ra Hee Duk nói.
Nữ nhà thơ cũng mong muốn, lần trở lại này sẽ đem đến cho cô nhiều chất liệu, cảm hứng mới, để tiếp tục sáng tác những bài thơ gắn bó hơn với đất và người Việt Nam.
Từng có hai lần đặt chân đến Hàn Quốc, nhà thơ Nguyễn Khánh Chi vẫn luôn dùng hai chữ “dịu dàng” để nói về cảnh sắc và con người nơi đây. Nhà thơ Khánh Chi kể: “Thời điểm đó, tôi còn là một nhà báo nên đã có cơ hội viết nhiều bài về những điều mình chứng kiến và cảm nhận được. Với tôi, viết là một hành trình bộc lộ những tầng sâu trong tâm hồn và những điều ta từng sống, từng trải, từng thấy và lưu giữ tại mỗi tác phẩm”.
Theo nhà thơ Khánh Chi, sau khi hoàn thành việc học, cô lựa chọn gắn bó với nghề báo bởi đó là con đường đến gần hơn với đời sống, con người - nơi cô có thể va chạm, lắng nghe, thấu hiểu, từ đó tích lũy vốn sống. Chính những trải nghiệm ấy đã trở thành chất liệu quý giá, ảnh hưởng mạnh mẽ đến thơ ca của cô.
Còn nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa, bởi cùng ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu xét riêng về văn xuôi, văn học Hàn Quốc đã có bước tiến dài hơn khi giành được giải Nobel Văn học. Trong khi đó, về thi ca, hai dân tộc lại có nhiều nét đồng điệu hơn. Người Việt tiếp cận và ảnh hưởng sâu đậm từ thơ ca Trung Quốc qua dòng thơ Đường; trong khi ở Hàn Quốc, chỉ một bộ phận nhỏ dành nhiều sự quan tâm đến thi ca Việt Nam.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, từ những hoạt động giao lưu thơ ca, nếu được quan tâm phát triển đúng hướng, có thể tạo nên sức lan tỏa và đưa thơ đến gần hơn với độc giả. Thơ ca không còn khép mình trong khuôn khổ truyền thống mà đã hiện diện ngày một rõ nét trong đời sống đương đại, trở thành nhịp cầu kết nối con người với cái đẹp, với chiều sâu văn hóa dân tộc./.