Hoạt động nhằm phục dựng bài bản Hội Chọi gà đòn dân gian và nghệ thuật nuôi gà chọi đòn ở Bình Định; làm cơ sở tiến tới lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản Quốc gia.
TTXVN - Trong khuôn khổ Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng, ngày 21/8, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội Chọi gà dân gian lần thứ I - Bình Định 2023 thu hút hơn 20 câu lạc bộ, nghệ nhân, chủ thể gà tham gia.
Hoạt động nhằm phục dựng bài bản Hội Chọi gà đòn dân gian và nghệ thuật nuôi gà chọi đòn ở Bình Định; làm cơ sở tiến tới lập hồ sơ khoa học Di sản Văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản Quốc gia, đề nghị UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời, tạo ra sản phẩm văn hóa đặc sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Đây còn là sân chơi lành mạnh để người dân, nghệ nhân nuôi gà nòi tham gia lễ hội đoạt giải thưởng công khai, hợp pháp; góp phần thay đổi thói quen sử dụng chọi gà cá cược ăn tiền - một tệ nạn cần xử lý triệt để. Sự kiện được duy trì hàng năm còn tạo động lực để giữ gìn và phát triển giống gà chọi quý, có giá trị kinh tế cao, hạn chế việc chảy máu nguồn gen gà nòi đòn quý sang nước ngoài.
Hội thi gồm các nội dung: Thi cắt lông gà tơ để chuẩn bị cho quá trình huấn luyện; thi dán lông, kết lông, cấy lông cho gà chiến; thi giằng mỏ trên, khâu mỏ dưới cho chiến kê trong lúc thi đấu; thi làm nước cho gà chọi; thi cắt tai tích, may tai tích cho gà tơ để chuẩn bị cho quá trình huấn luyện và thi chọi gà truyền thống.
Thời gian thi đấu diễn ra từ 8 giờ đến 17 giờ 30 phút hàng ngày và kéo dài đến hết ngày 25/8/2023. Trường hợp không có nhiều gà đăng ký, Ban Tổ chức sẽ ngưng chương trình khi hết các cặp đấu giao lưu. Kết thúc Hội thi, Ban Tổ chức sẽ trao 3 giải thưởng gồm: giải Nhất trị giá 5 triệu đồng; giải Nhì 3 triệu đồng và giải Ba 1 triệu đồng.
Thú chơi chọi gà phát triển mạnh mẽ từ thời nhà Trần, gắn liền với nghề chăn nuôi các giống gà theo chân mở cõi lập làng của người Việt trong diễn trình lịch sử làng xã nông thôn Việt Nam nói chung và ở Bình Định nói riêng. Dưới góc nhìn của mình, Đông định vương Nguyễn Lữ (một danh tướng thời Tây Sơn) đã nghiên cứu, tiếp thu các đòn tiếp cận, chiến đấu của giống gà chọi và sáng tạo ra bài thế tấn công Hùng kê quyền nổi tiếng, được sử dụng nhiều trong truyền dạy nền võ học cổ truyền Bình Định./.
- Từ khóa:
- Giữ gìn
- phát triển
- gà chọi đòn
- Bình Định