Thanh Hóa đang đặc biệt quan tâm tới công tác dạy nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho các học viên tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện.
TTXVN- Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, hàng năm, số người sau cai nghiện ma túy có việc làm chỉ chiếm khoảng 10% so với số người được chữa trị, phục hồi và chỉ khoảng 20% trong số đó có việc làm ổn định, đủ nuôi sống bản thân.
Trước tình hình đó, cùng với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị cho các học viên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đang đặc biệt quan tâm tới công tác dạy nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho các học viên tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có hai cơ sở cai nghiện ma túy công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, với tổng quy mô, công suất tiếp nhận, quản lý tối đa 1.250 người. Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Thanh Hóa, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống hiện đang quản lý trên 750 đối tượng nghiện ma túy. Để giúp các học viên có việc làm khi trở về với cuộc sống đời thường, hạn chế tình trạng tái nghiện, cơ sở này đã đưa nhiều ngành nghề vào dạy cho học viên.
Các ngành nghề hiện thu hút nhiều học viên tham gia như sản xuất gạch không nung; may túi PP xuất khẩu, túi dùng một lần; trồng rau, chăn nuôi, vệ sinh môi trường cảnh quan, nghề mộc...
Hoạt động lao động sản xuất ngoài tác dụng rèn luyện tay nghề còn hỗ trợ, nâng cao hiệu quả trong điều trị, cai nghiện. Các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ...được cơ sở tổ chức thường xuyên, tạo không khí giao lưu, gần gũi giữa thầy và trò; tạo động lực để học viên chấp hành tốt các quy trình điều trị, nội quy, quy chế của đơn vị.
Ông Đoàn Ngọc Loan (Trưởng Phòng Dạy nghề - Lao động sản xuất, Cơ sở cai nghiện ma tuý số 1) cho biết, trước khi mở lớp dạy nghề, cơ sở tổ chức khảo sát, lấy ý kiến học viên về những ngành nghề muốn theo học. Các khóa học được cơ sở liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề; các trường cao đẳng nghề với đội giáo viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao trực tiếp giảng dạy. Những nghề được đào tạo sát với yêu cầu thực tế, giúp học viên sau khi trở về địa phương có cơ hội tìm được việc làm, tái hòa nhập cộng đồng.
Cơ sở định hướng sẽ tìm kiếm thêm thị trường, mở thêm các xưởng may túi PP. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhất, tiếp thêm niềm tin cho học viên, xóa bỏ mặc cảm, vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống và phòng, chống tái nghiện hiệu quả.
Cơ sở cai nghiện ma tuý số 2, huyện Quan Hóa hiện đang quản lý 285 đối tượng, người nghiện ma túy ở các huyện miền núi. Năm 2023, cơ sở được tổ chức ba lớp dạy nghề với hai lớp may và một lớp hàn, thu hút nhiều học viên tham gia. Trong khi đó, cơ sở vẫn đang duy trì các lớp dạy nghề khác như mây tre đan - nghề này rất thiết thực với các huyện miền núi để tận dụng nguồn nguyên liệu tre, luồng, vầu.. dồi dào ở địa phương. Bên cạnh đó, đơn vị có 11 ha trồng rừng nên đã đưa nghề chăn nuôi, trồng trọt vào dạy nghề, hướng nghiệp cho các học viên như kỹ thuật chăm sóc luồng, keo, cây công nghiệp… Các lớp học này đã tạo cơ hội để học viên sau cai có công việc ngay tại địa phương, có nguồn thu nhập ổn định nuôi sống mình và phát triển kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Đạo Dụng, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 (huyện Quan Hóa) cho biết, trong thời gian cai nghiện và điều trị tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, các học viên được đào tạo, thực hành nhiều nghề. Từ đó, học viên sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng vượt qua mặc cảm, sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Hiện nay, kinh phí hỗ trợ cho học viên học nghề rất thấp. Kinh phí hỗ trợ cho hoạt động dạy nghề hướng nghiệp cần được nâng cao, phong phú ngành nghề đào tạo để khi học viên về địa phương có việc làm ổn định, phòng, chống tái nghiện- Ông Nguyễn Đạo Dụng đề xuất.
“Sau khi tái hòa nhập cộng đồng, nhiều học viên còn mang nặng tâm lý tự ti, mặc cảm và rất dễ bị đối tượng xấu lôi kéo tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy. Họ rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện vươn lên từ gia đình và xã hội. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần tạo cầu nối với doanh nghiệp để giới thiệu việc làm, giúp các học viên có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống, tránh tình trạng tái nghiện”, ông Dụng chia sẻ thêm.
Địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 6.300 người nghiện ma túy, trong đó chỉ có hơn 1.000 người đang chữa trị, cai nghiện tập trung tại các cơ sở cai nghiện; hơn 100 người đang bị giam giữ tại các trại giam trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2020 - 2022 đã có 1.432 học viên được hướng nghiệp, dạy nghề phù hợp, với các nghề thông dụng như may công nghiệp, sản xuất gạch, trồng trọt, chăn nuôi, nấu ăn.../.
- Từ khóa:
- cai nghiện
- ma tuý
- tệ nạn xã hội