Xã hội

Giúp người mãn hạn tù phát triển kinh tế

Quyết định 22/2023/QĐ-TTg là một văn bản cấp thiết, kịp thời, giải quyết tình trạng không tìm được việc làm, không có sinh kế để ổn định cuộc sống tại địa phương cho các phạm nhân sau khi mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng.

TTXVN- Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, Trung ương Hội đang triển khai chỉ đạo phổ biến Quyết định 22/2023/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/8/2023 “Về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù” tại các địa phương để Hội Liên hiệp Phụ nữ tại các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền trong các hoạt động phối hợp với các trại giam.

Làm thủ tục đặc xá cho các phạm nhân cải tạo tốt tại tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: TTXVN phát)

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ lồng ghép tuyên truyền Quyết định 22/2023/QĐ-TTg trong các chương trình, Đề án của Chính phủ mà Hội phụ trách, đồng thời, đưa nội dung của Quyết định vào nội dung chương trình tập huấn cho cán bộ Hội, các báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tại các địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương, quyết định 22/2023/QĐ-TTg là một văn bản cấp thiết, kịp thời, giải quyết tình trạng không tìm được việc làm, không có sinh kế để ổn định cuộc sống tại địa phương cho các phạm nhân sau khi mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng. Theo Quyết định, đối tượng phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt, có 2 mức vốn cho vay: Đối với vay vốn để học nghề/đạo tạo nghề là 4 triệu đồng/tháng/người. Đối với mục đích kinh doanh và theo từng quy mô, mức độ thực hiện: mức vay tối đa 100 triệu đồng/người, với lãi suất ưu đãi như với đối tượng hộ nghèo.

“Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tại địa phương nắm tình hình phụ nữ đã chấp hành xong án phạt tù, hoàn thành thời gian cải tạo, phạm nhân đã được đặc xá… để tiếp tục động viên, giáo dục, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng và tránh xa tệ nạn xã hội, không tái phạm tội. Đồng thời, thăm hỏi, động viên, thu hút, tập hợp nhiều đối tượng phụ nữ hoàn lương tham gia các mô hình, câu lạc bộ văn hóa, thể thao, tham gia sinh hoạt chi, tổ hội tại địa phương, để vừa tạo động lực tinh thần vừa giúp họ nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh

Đào tạo nghề cho phạm nhân. (Ảnh: TTXVN phát)

Cũng theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, tại các địa phương, các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho nữ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng về phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; giáo dục về quyền và nghĩa vụ của phụ nữ, về bình đẳng giới; tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, các chiêu trò, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; phòng chống tệ nạn xã hội, tín dụng đen, ma túy, mại dâm; phòng, chống xâm hại tình dục…

Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai hàng năm Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp dành cho phụ nữ trong khuôn khổ “Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, với đối tượng ưu tiên là phụ nữ yếu thế, phụ nữ hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, triển khai các sự kiện truyền thông về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại các trại giam cho các nữ phạm nhân sắp mãn hạn tù, hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, đã tổ chức 5 cuộc truyền thông cho hơn 1.000 nữ phạm nhân tại 5 trại giam đông phạm nhân nữ trên cả nước…/.

Xem thêm