Giảm thiểu tác động với các cá nhân và cộng đồng do nạn buôn bán người, thông qua truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường tiếp cận pháp luật và hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập, lấy nạn nhân làm trung tâm.
TTXVN- Liên quan đến việc hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, bà Doyen Yun, Giám đốc Dự án và Đối tác của với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết, Quỹ Phòng, chống nô lệ hiện đại của Chính phủ Anh đã và đang tích cực giúp tổ chức này và các đối tác tại Việt Nam giải quyết vấn đề liên quan đến nạn buôn người.
“Sự hợp tác này phù hợp với các ưu tiên đặt ra trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Việt Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, bà Doyen Yun cho hay.
Theo bà Doyen Yun, dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) là một sáng kiến hợp tác liên ngành với Chính phủ Việt Nam và các chủ thể địa phương để phát huy vai trò của họ trong việc giảm thiểu tác động với các cá nhân và cộng đồng do nạn buôn bán người, thông qua truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường tiếp cận pháp luật và hỗ trợ phục hồi, tái hòa nhập, lấy nạn nhân làm trung tâm.
Trong hơn 3 năm qua, từ năm 2018 đến năm 2022, Dự án đã nâng cao năng lực cho 1.782 người tham gia chống mua bán người, trong đó 425 cán bộ làm công tác phòng ngừa, 392 cán bộ khối tư pháp và 965 cán bộ khối công an; nâng cao nhận thức của hơn 2,93 triệu người về phòng, chống mua bán người và di cư an toàn, đồng thời giúp 1.680 người được tiếp cận các cơ hội việc làm tại địa phương và các con đường di cư lao động hợp pháp.
Đánh giá về hợp tác thực hiện Dự án TMSV, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Dự án nhằm cụ thể hóa nội dung mà Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam đã cam kết triển khai, thực hiện trên 3 lĩnh vực tác động: Phòng ngừa, truy tố xét xử và bảo vệ.
Sau thời gian thực hiện Dự án, giai đoạn 2018-2021, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các nhà tài trợ với các đơn vị, địa phương, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của 5 tỉnh, thành phố là địa bàn thụ hưởng dự án (Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình), đến nay, cơ bản các hoạt động của Dự án đã hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên cả 3 lĩnh vực tác động.
Khẳng định các kết quả tích cực của Dự án, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên cho biết các chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi nhằm ngăn ngừa nhóm dễ bị tổn thương khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trên địa bàn các tỉnh triển khai Dự án đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất đi vào cuộc sống bằng nhiều hình thức khác nhau.
Dự án đã thúc đẩy hiệu quả các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử những vụ việc và thực thi pháp luật về phòng, chống mua bán người. Nhiều hoạt động hỗ trợ, xác minh và xác định nạn nhân, người có nguy cơ là nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam… Qua đó, có nhiều đối tượng được trợ giúp các nhu cầu khẩn cấp và thiết yếu, phát triển sinh kế…/.
- Từ khóa:
- mua bán người
- tệ nạn xã hội