Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.
TTXVN- Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, tổng số người nghiện ma túy hiện đang quản lý tại 15 cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố là 10.008 người, tăng 1.914 trường hợp so với đầu kỳ. Trong số đó, Sở quản lý 4.964 người, lực lượng Thanh niên xung phong thành phố quản lý 4.830 người, cơ sở cai nghiện tư nhân quản lý 214 người.
Tính từ đầu năm đến nay, các cơ sở đã xác định tình trạng nghiện với 5.751 lượt người. Tòa án nhân dân các cấp đã ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 5.121 trường hợp.
Trước đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn Thành phố.
Theo kế hoạch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới mức 0,51%, khống chế tỷ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng dân cư dưới mức 0,014% vào năm 2025; giảm tử vong liên quan AIDS; phấn đấu đạt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 để tiến tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030; bình thường hóa bệnh HIV/AIDS, tạo môi trường thuận lợi cung cấp các dịch vụ thân thiện, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; tiếp tục góp phần giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện và thành phố Thủ Đức tập trung chỉ đạo rà soát các nội dung, giải pháp thực hiện các chương trình, kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn để đề ra kế hoạch thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, đơn vị; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị tham gia nhằm đạt mục tiêu nhanh chóng kéo giảm rõ rệt tình hình phức tạp về tội phạm, tệ nạn xã hội và dịch HIV trên địa bàn; tạo môi trường bình yên, thuận lợi cho sự đầu tư, phát triển và ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Cũng theo kế hoạch, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn dân cư, các khu vực, địa bàn trọng điểm phức tạp về tệ nạn xã hội nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân; trong đó tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ sa vào tệ nạn xã hội như: người lao động không có việc làm ổn định; người lao động tại các khu chế xuất; khu nhà trọ công nhân; chủ quản lý cơ sở và nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội; nhất là học sinh, sinh viên...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin, truyền thông kêu gọi sự tham gia, ủng hộ của các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao hiểu biết của người dân về HIV, đặc biệt là giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập và làm việc; tăng cường các hoạt động truyền thông tạo nhu cầu cho nhóm đối tượng đích tiếp cận và sử dụng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS để góp phần đạt được các chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS của Thành phố.
Gắn kết hiệu quả công tác phòng, chống ma túy với phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội trong việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phong trào "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới"; cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không 3 sạch" và các phong trào thi đua tại cơ sở.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức tập huấn về Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành theo các lĩnh vực: đấu tranh phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; quản lý người nghiện ma túy; công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; công tác xác định tình trạng nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy.
Đồng thời, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn mại dâm; hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện ma túy và sau cai nghiện ma túy, người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng; lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao…